Mục lục bài viết
Trước khi có thông báo kỷ luật chính thức, thì việc các quan chức cấp cao ĐCSTQ vắng mặt trong các hoạt động tập thể là điều vô cùng hiếm thấy…
Trước khi, Chu Vĩnh Khang bị ‘giam giữ và thẩm vấn’ (song quy) vào tháng 12/2013, ông ta vẫn xuất hiện như thăm trường cũ là Đại học Dầu khí, viết bia kỷ niệm… Sau đó, Chu Vĩnh Khang ngã ngựa, nhiều người cho rằng Từ Tài Hậu sẽ mất tăm mất dạng.
Tháng 12/2013, Chu Vĩnh Khang bị điều tra, đến ngày 20/1/2014, Tập Cận Bình chủ trì một sự kiện trước Tết Nguyên Đán, Từ Tài Hậu vẫn mặc quân phục với huân chương trên ngực. Sau đó, khi có thông báo chính thức Từ Tài Hậu tham gia băng nhóm đảo chính, ông ta mới bị giam giữ và thẩm vấn.
Gần đây, ngày 31/12/2021, Tập Cận Bình có bài phát biểu tại buổi tiệc trà Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, nhưng Lật Chiến Thư – một trong bảy vị Thường Uỷ và là thân tín của ông Tập lại không có mặt. Đây là một điều rất kỳ lạ. Mấy ngày tiếp theo, Lật Chiến Thư cũng không thấy xuất hiện trong hội nghị của ĐCSTQ (1).
Sự vắng mặt của Lật Chiến Thư vẫn cứ âm ỉ… Đến ngày 4/1, một kênh truyền thông ở Hồng Kông là tờ Minh Báo (明報) đã đăng một thông tin giật gân rằng Lật Chiến Thư thuộc phe Tăng Khánh Hồng!
Cũng trong ngày 4/1, Tập Cận Bình ra Quân lệnh số 1 cho Quân uỷ Trung ương. Nếu bỏ qua những từ ngữ sáo rỗng, thì nội dung của quân lệnh lần này là: chuyển họng súng từ bên ngoài hướng vào nội bộ, nói cách khác là phải ‘bảo vệ’ cho Đại hội 20 được diễn ra thành công tốt đẹp.
Tại sao Quân uỷ lại lấy vấn đề nội bộ đảng làm trung tâm, thân tín của ông Tập đang gặp vấn đề gì, động thái tạo dư luận của tờ Minh Báo mang hàm ý như thế nào, và khi kết nối các thông tin trên với nhau, liệu nó có cho ta cái nhìn nào về đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ?
Nhà sử học, đồng thời là người có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 6/1 đã dựa vào logic hành sự của ĐCSTQ, kể về ‘vụ án Viễn Hoa’ và câu chuyện lịch sử thời Minh Thái Tổ – Chu Nguyên Chương, từ đó giải đáp những vấn đề trên như sau.
Lật Chiến Thư vắng mặt vì lý do sức khoẻ
Môi trường truyền thông ở Hồng Kông thật sự rất phức tạp, trừ kênh Epoch Times bản Hồng Kông ra, các bên còn lại hầu như đều thuộc phe thân ĐCSTQ. Do đó Minh Báo cũng có thể được coi là kênh thông tin của một phe phái nào đó trong ĐCSTQ.
Tờ Minh Báo đưa tin rằng, trong buổi tiệc trà cuối năm 2021, Lật Chiến Thư đã vắng mặt trong khi các vị Thường Uỷ còn lại đều đến, điều này khiến mọi người rất chú ý.
Từ thông tin trên, Giáo sư Chương phân tích rằng, trong những dịp xuất hiện tập thể của các quan chức cấp cao, chỉ có một lần Thường Uỷ vắng mặt. Đó là vào ngày 27/1/2006, khi đó diễn ra ‘Lễ hội mùa xuân’ (Xuân tiết) của ĐCSTQ, trong 9 vị Thường Uỷ thì có 8 vị có mặt, còn Hoàng Cúc đã không xuất hiện. Sau đó đến tháng 3/2006, người phát ngôn của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã xác nhận Hoàng Cúc không khoẻ và đang trị liệu tại bệnh viện. Sau đó Hoàng Cúc qua đời vào ngày 2/6/2006.
ĐCSTQ có một logic khi làm việc, trước đây làm như thế nào thì sau này sẽ đi theo tiền lệ đó. Hoàng Cúc không tham dự các hoạt động tập thể vì bị ốm, do đó chỉ cần cán bộ cấp cao khoẻ mạnh, họ sẽ không vắng mặt khi chưa có thông báo vi phạm kỷ luật, cấp Uỷ viên Bộ Chính trị như vậy, huống chi là cấp Thường Uỷ.
Còn có thông tin là Lật Chiến Thư gặp sự cố vì bị điều tra tham ô hủ bại. Giáo sư Chương cho rằng: hiện nay thông tin này không đáng tin cậy.
Là một người có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương chia sẻ rằng, quan chức ĐCSTQ tham ô hủ bại là điều chắc chắn, nếu họ chưa bị điều tra là do vẫn còn đứng ‘đúng bên’ trong cuộc chiến tranh giành quyền lực. Hơn nữa dưới tình huống Tập Cận Bình muốn tái đắc cử, rất cần sự ủng hộ của cán bộ trong đảng, cho nên dù Lật Chiến Thư có tham ô hủ bại như thế nào, ông Tập cũng sẽ bảo vệ Lật Chiến Thư.
Giáo sư Chương kể lại một câu chuyện cũ, năm 1999 xảy ra ‘Vụ án Viễn Hoa’ ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Thủ phạm chính của vụ án này là Lại Tinh Xương, người mày buôn lậu rất nhiều ô tô và xăng dầu nhiên liệu ở Phúc Kiến. Nhiều người nghĩ rằng Bí thư Tỉnh uỷ khi đó là Giả Khánh Lâm – thuộc phe Giang sẽ liên luỵ vì vụ án này.
Sau đó Giang Trạch Dân muốn chứng tỏ rằng Giả Khánh Lâm vẫn ổn, đã sắp xếp Giả Khánh Lâm đến Bắc Kinh khảo sát rồi làm Uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành uỷ Bắc Kinh. Điều này nghĩa là: Giang Trạch Dân biểu đạt thái độ ủng hộ đối với thân tín, vẫn còn bảo vệ được ‘đàn em’ của mình là Giả Khánh Lâm.
Vậy thì quay lại với tin đồn Lật Chiến Thư bị kỷ luật vì tham ô hủ bại, Tập Cận Bình hoàn toàn có thể ra mặt để ủng hộ Lật Chiến Thư, cho hạ cấp của mình đi thị sát, đi Tây Tạng, để ông này bên cạnh mình… Điều này tương đương với việc gửi một tín hiệu ra thế giới bên ngoài rằng Tập Cận Bình vẫn ủng hộ Lật Chiến Thư.
Nhưng trên thực tế, Tập Cận Bình không làm như vậy, bởi vì việc của Lật Chiến Thư không phải là vấn đề tham nhũng, đồng thời trong nội bộ đảng cũng không phản cảm Lật Chiến Thư giống như sự việc Giả Khánh Lâm với ‘vụ án Viễn Hoa’ năm 1999. Nếu Tập Cận Bình thật sự muốn làm như vậy nhưng Lật Chiến Thư không xuất hiện, chứng tỏ sức khoẻ của Lật Chiến Thư gặp vấn đề.
Tựu trung lại vẫn là vấn đề này: thân thể của Lật Chiến Thư không được khoẻ.
Lật Chiến Thư thuộc phe Tăng Khánh Hồng là điều khó xảy ra
Tiếp đó tờ Minh Báo còn đưa thông tin giật gân rằng: Lật Chiến Thư thuộc phe cánh của Tăng Khánh Hồng, đã từng tham gia làm đảo chính… Giáo sư Chương cho rằng điều này không đáng tin cậy.
Thứ nhất, sau Đại hội 18 năm 2012, Lật Chiến Thư từng giữ chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, chức vụ này giống ‘Tổng lệnh cấm quân’, chỉ huy của Cục Cảnh vệ Trung ương. Nếu Lật Chiến Thư muốn làm chính biến, thì Tập Cận Bình không biết đã bị thích sát bao nhiêu lần rồi.
Lật Chiến Thư khác với Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai làm đảo chính năm đó, bởi vì cả Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai làm đảo chính vì họ sợ món ‘nợ máu’ do trấn áp Pháp Luân Công sẽ bị Tập Cận Bình thanh toán, nên bọn họ mới làm như vậy. Nhưng Lật Chiến Thư hoàn toàn không có chuyện như vậy, tất cả những việc ông ấy làm đều là Tập Cận Bình bảo làm, bao gồm thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông hay những việc khác v.v. do đó mối quan hệ giữa Lật Chiến Thư và Tập Cận Bình rất mật thiết.
Thêm nữa, nếu Lật Chiến Thư giúp Tăng Khánh Hồng làm chính biến, ngay cả khi đảo chính thành công, nhiều nhất thì ông ta sẽ là Thường Uỷ, hiện tại ông ấy cung cũng là Thường Uỷ, do đó Lật Chiến Thư không cần mạo hiểm để làm chuyện không có lợi cho sự nghiệp chính trị của mình. Điều này lại giống một câu chuyện trong lịch sử.
Trong những năm Hồng Vũ thời Minh Thái Tổ – Chu Nguyên Chương đã xảy ra 4 vụ án lớn là:
+ Hồ Vi Dung án.
+ Không ấn án (vụ án con dấu rỗng).
+ Quách Hoàn án.
+ Lam Ngọc án.

Mỗi vụ án liên quan đến rất nhiều quan viên, số quan viên bị Chu Nguyên Chương giết trong mỗi vụ là vài vạn người, chỉ riêng Hồ Vi Dung án đã giết hơn 3 vạn người.
Trong Hồ Vi Dung án, anh rể của Hồ Vi Dung là Lý Thiện Trường cũng bị liên luỵ. Lý Thiện Trường là đệ nhất công thần khai quốc của Chu Nguyên Chương, Lý Thiện Trường với Chu Nguyên Chương cũng giống như Tiêu Hà với Lưu Bang vậy. Nhưng cuối cùng Lý Thiện Trường vẫn bị giết.
Sau đó có một người đã viết thư cho Chu Nguyên Chương nói rằng, việc Lý Thiện Trường mưu phản là không thể tin được. Bởi vì nếu ông ấy mưu phản, ông ấy không thể làm Hoàng đế, vẫn chỉ làm đệ nhất công thần khai quốc, vẫn hưởng vinh hoa phú quý như hiện tại mà không có được vị trí cao hơn, cho nên việc mưu phản không có gì tốt cho ông ấy. Từ đó thấy được rằng Lý Thiện Trường không có động cơ mưu phản.
Quay lại với câu chuyện của Lật Chiến Thư, tờ Minh Báo nói rằng Lật Chiến Thư theo Tăng Khánh Hồng để chống lại Tập Cận Bình nhưng Giáo sư Chương nhận định, Lật Chiến Thư không có động cơ đó và việc ấy cũng không cần thiết.
Liên quan đến tin đồn thân tín khác của ông Tập là Trần Toàn Quốc bị xử lý kỷ luật
Khi nói về Lật Chiến Thư, Giáo sư Chương thuận tiện đề cập đến một thân tín khác của ông Tập là Trần Toàn Quốc.
Trần Toàn Quốc nguyên là Bí thư đảng uỷ khu tự trị Tân Cương, hiện nay đã bị miễn chức, thay bằng Mã Hưng Thuỵ, còn Trần Toàn Quốc thì chuyển đến Bắc Kinh. Từ đó có một số tin đồn là Trần Toàn Quốc bị xử lý kỷ luật vì những việc làm ‘thiên nộ dân oán’ ở Tân Cương, một số khác cho rằng ông ta đến Bắc Kinh để làm Thường Uỷ. Giáo sư Chương đã lần lượt phân tích những thông tin trên như sau.
Các lệnh trừng phạt đối với ĐCSTQ hiện nay chủ yếu là vấn đề trại tập trung ở Tân Cương. Cuối tháng 11/2021, một học giả người Đức là Adrian Zenz đã phát hành một loạt tài liệu tuyệt mật về Tân Cương. Từ tài liệu đó thấy rằng việc xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương đều là do Trần Toàn Quốc làm dựa trên ‘tinh thần’ của Tập Cận Bình.
Điều này nói lên rằng, Tập Cận Bình không thể hạ thủ đối với người ‘đàn em’ của mình là Trần Toàn Quốc. Do đó việc Trần Toàn Quốc bị xử lý kỷ luật là không có khả năng xảy ra, bởi vì Trần Toàn Quốc làm theo chỉ thị của Tập Cận Bình và tài liệu về Tân Cương vẫn còn đó.
Có thông tin cho rằng, Trần Toàn Quốc đột nhiên rút khỏi Tân Cương là do Tập Cận Bình đang cố gắng chăm chút cho hình ảnh quốc tế của mình bởi vì danh tiếng của Trần Toàn Quốc quá tệ, ông Tập muốn lùi một bước… Giáo sư Chương cho rằng việc này cũng không thể. Bởi vì nếu Tập Cận Bình rút lại chính sách Tân Cương, việc đó sẽ cho đối thủ chính trị một cái cớ để chỉ trích ông Tập yếu đuối.
Còn một vấn đề nữa là: liệu Trần Toàn Quốc có được đề bạt vào vị trí Thường Uỷ hay không. Giáo sư Chương nhìn nhận việc ấy cũng không khả thi vào lúc này bởi 2 nguyên nhân sau.
Thứ nhất, nếu đề bạt Trần Toàn Quốc vào vị trí Thường Uỷ thì không cần điều lúc này, mà phải chờ đến khi Đại hội 20 diễn ra, do đó nhìn vào mặt thời gian thì việc điều ông ta về làm Thường Uỷ là không có khả năng.
Thứ hai, Trần Toàn Quốc thật sự có danh tiếng xấu, nếu ông ta được thăng chức vào vị trí Thường Uỷ, điều đó sẽ gây tổn hại cho thể diện của ĐCSTQ. Lấy ví dụ về Bạc Hy Lai, Bạc từng là Bộ trưởng Thương mại, chức vụ này thường xuyên phải ra nước ngoài bàn việc kinh tế, kết quả Bạc Hy Lai không còn giữ chức vụ đó nữa.
Tại sao? Một trong những nguyên nhân quan trọng là do Bạc Hy Lai ra nước ngoài đều bị các học viên Pháp Luân Công khởi tố vì tội ác chống lại loài người. Bạc Hy Lai đi đến đâu thì bị khởi tố đến đó, và một số nơi còn phán quyết ông ta có tội. Do đó ĐCSTQ thấy rằng nếu để Bạc Hy Lai tiếp tục làm Bộ trưởng Thương mại hoặc làm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện trong tương lai sẽ là điều khó coi đối với ĐCSTQ.
Trần Toàn Quốc cũng tương tự như vậy, ông là Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị bị Hoa Kỳ trừng phạt. Đây là cán bộ cấp cao nhất bị Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt riêng lẻ. Do đó nếu Trần Toàn Quốc làm Thường Uỷ, ĐCSTQ sẽ không biết giấu mặt vào đâu.

Về Trần Toàn Quốc, thứ nhất không thể làm Thường Uỷ vì khiến ĐCSTQ mất mặt, thứ hai là điều về Bắc Kinh lúc này là không hợp lý về mặt thời gian. Do đó Giáo sư Chương đánh giá, việc Trần Toàn Quốc điều về Bắc Kinh có nguyên nhân giống như Lật Chiến Thư, đó là ngoại giới cho rằng sức khoẻ của ông ta không ổn, cho nên không cần đợi đến lúc Trần Toàn Quốc nghỉ hưu, ĐCSTQ cho ông ta về Bắc Kinh làm một chức vụ nhàn hạ để dưỡng lão. Hiện tại Trần Toàn Quốc đã 66 tuổi, ông ấy làm Thường Uỷ cũng không có thời gian và cũng không cần thiết.
Quân lệnh số 1, chuyển họng súng từ ngoài vào trong: Tập Cận Bình đang hoang mang tột độ?
Cả 2 tin đồn về Trần Toàn Quốc bị xử lý kỷ luật, hay đến Bắc Kinh làm Thường Uỷ đều không có khả năng, thêm vào đó có tin Lật Chiến Thư thuộc thuộc phe Tăng Khánh Hồng lan truyền khắp nơi, rốt cuộc xu hướng dư luận này có ý nghĩa gì?
Giáo sư Chương cho rằng, điều này nói rõ thế lực ‘phản Tập’ đang tìm kiếm cơ hội chế tạo chủ đề để công kích thân tín Tập Cận Bình, và trước Đại hội 20 sẽ có rất nhiều đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ.
Ngày 4/1, Tập Cận Bình ra Quân lệnh số 1 cho Quân uỷ Trung ương như thường lệ. Quân lệnh số 1 năm nay rất khác với các quân lệnh trong quá khứ. Về độ dài, trước đây là 6 đoạn, còn năm nay chỉ có 4 đoạn, tức tương đối ngắn. Tại sao lại như vậy?
Nếu bỏ đi những từ ngữ cứng nhắc sáo rỗng, thì Quân lệnh số 1 năm ngoái có nội dung chủ yếu là: “Tập trung chuẩn bị cho đánh trận, kiên trì vào huấn luyện và đào tạo cho cuộc chiến, tăng cường đấu tranh quân sự, huấn luyện quân đội tuyến đầu…”. Nhưng năm nay việc ‘tập trung chuẩn bị cho đánh trận’… không còn là mục tiêu chính nữa, mà là “Nghênh tiếp (chào mừng)” Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Điều này nghĩa là, họng súng của quân đội không còn hướng ra bên ngoài phía Đài Loan hay Biển Đông… mà là hướng vào bên trong, ‘hộ vệ’ cho Đại hội 20 diễn ra thành công tốt đẹp.
Trong một, hai năm trở lại đây, một số người cho rằng ĐCSTQ sẽ đánh Đài Loan, nhưng Giáo sư Chương đã nhiều lần phân tích dựa trên các góc độ khác nhau rồi kết luận rằng: Tập Cận Bình không dám đánh Đài Loan bởi vì mục tiêu số một của ông bây giờ là tái đắc cử ở Đại hội 20. Trước Đại hội 20, ông Tập không muốn có bất kỳ những nhân tố bất ổn nào.
Tập Cận Bình đánh Đài Loan liệu có thắng không, phản ứng của cộng đồng quốc tế như thế nào… những vấn đề này bản thân Tập Cận Bình không quyết định được, cho nên Tập Cận Bình tuyệt đối không dám làm điều này.
Do đó, mọi người nhìn vào Quân lệnh số 1 năm nay đã thay đổi từ việc chuẩn bị cho chiến tranh sang đảm bảo cho Đại hội 20 được diễn ra ‘suôn sẻ’, ngoài đó ra Quân uỷ không có yêu cầu nào khác.
Từ Quân lệnh số 1 này có thể thấy rằng Tập Cận Bình đang rất lo lắng về Đại hội 20, đến độ đã nâng lên thành… đấu tranh quân sự.
Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 5/1, Giáo sư Chương đã nói nhiều lần về vấn đề: Tập Cận Bình quả thực không còn nhiều thời gian. Nếu Tập Cận Bình không hạ được quan chức cấp Phó Nhà nước hoặc cấp Nhà nước để ‘lập uy’, ông Tập không có cách nào chủ trì việc bố trí nhân sự ở Đại hội 20. Nếu Tập Cận Bình muốn ‘lập uy’, sự hỗ trợ của quân đội là vô cùng quan trọng. Đây là lý do vì sao Quân lệnh số 1 có nội dung như vậy.
Nếu Tập Cận Bình làm ‘sấm to’ nhưng ‘mưa nhỏ’, không hạ bệ được một quan chức cấp Phó Nhà nước, Giáo sư Chương cho rằng ông Tập sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc tái đắc cử ở Đại hội 20, thậm chí gặp nguy hiểm vì băng nhóm đảo chính do Giang – Tăng đứng đầu vẫn chưa dọn dẹp xong.
Nhìn chung, Giáo sư Chương thấy rằng, những xu hướng dư luận gần đây chính là trò chơi quyền lực giữa các lực lượng trong đảng. Năm 2022 này sẽ có rất nhiều chuyện xảy cả phương đông và phương tây, Đại hội 20 của ĐCSTQ, Bầu cử Giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, tình hình kinh tế thế giới, quả bom nổ chậm Evergrande… do đó chúng ta chỉ có thể chờ xem kết quả sẽ như thế nào.
Mạn Vũ
Chú thích:
(1) Ngày 6/1, trong cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ, CCTV đưa tin tức dài đến 4 phút 8 giây nhưng không có hình ảnh động, mà chỉ là hình ảnh chụp, không thấy được bất cứ đoạn video nào về địa điểm diễn ra cuộc họp.
Điều này chứng tỏ phía Trung ương của ĐCSTQ đang gặp vấn đề, và lý do được Giáo sư Chương đưa ra là: Lật Chiến Thư không tham dự.