Những biểu ngữ tuyên truyền, những công dân hoảng loạn đang ẩn náu trong nhà và tố giác lẫn nhau, nhà cầm quyền Trung Quốc đang sử dụng chiêu thuật cũ để chiến đấu với kẻ thù mới.

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã viện đến lực lượng tuyên truyền của họ để tiến hành cái mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “cuộc chiến nhân dân” chống lại chủng mới virus corona, đã giết chết hơn 1.300 người và lây nhiễm cho gần 60.000.

Ông Tập đã vinh danh “các đồng chí … trên tiền tuyến” trong khi truyền thông nhà nước loan báo tầm quan trọng của chủ nghĩa yêu nước trong chiến dịch giải quyết bùng phát dịch bệnh.

Bà Zhao Yiling đã không rời căn hộ của mình ở phía đông Bắc Kinh kể từ ngày 23/1.

“Ủy ban nói phải kiên nhẫn và không được ra ngoài, vì vậy tôi không đi ra ngoài. Tôi tuân theo yêu cầu đó”, bà nội trợ 57 tuổi cho biết.

Bà nói bà tuân theo chỉ chị của ủy ban khu phố nơi thi hành các mệnh lệnh của nhà cầm quyền. Nhưng bà thừa nhận trong bối cảnh chính phủ ra thông báo không ngớt, bà hiện “khiếp sợ” loại virus này. Bên ngoài nơi cư trú của bà, có treo một biểu ngữ trên đó có các ký tự lớn màu trắng trên nền đỏ kêu gọi kiểm soát dịch bệnh.

“Truy tìm, cảnh báo, cách ly và xử lý càng sớm càng tốt”, là nội dung trên biểu ngữ. 

Khẩu hiệu tuyên truyền

Ở Trung Quốc, khẩu hiệu tuyên truyền không phải là điều xa lạ.

“Chúng ta hãy giương cao cờ đảng trước đại dịch”, nội dung của một khẩu hiệu được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội ở Chiết Giang, một tỉnh miền đông có số ca nhiễm virus cao thứ hai toàn Trung Quốc.

Tại Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh, các thông báo của chính quyền đe dọa thẳng thừng. 

“Ai không khai báo mình bị sốt là kẻ thù”, nội dung tấm biểu ngữ giăng trên một tòa nhà ở Yunmeng.

“Đến thăm nhau là giết lẫn nhau”; “Gặp nhau là tự sát”.

Hàng xóm cũng đang được khuyến khích tố giác lẫn nhau, đặc biệt là nếu họ nghi ngờ bất cứ ai đến từ tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh.

Bà Zhao cho biết một chiếc xe đăng ký ở Hồ Bắc đã bị phát hiện trong khu phố bà ở, và “mọi người đang tìm kiếm chủ nhân chiếc xe”. 

Một số khu vực thậm chí còn đề nghị sẽ trao thưởng cho những người tố giác hàng xóm của họ.

Các đường phố và công viên nơi mọi người thường tụ tập để trò chuyện, khiêu vũ, tập thể dục hoặc chơi bài nay đều trống rỗng.

Phản ứng của người dân

Nhà cầm quyền Trung Quốc hiếm khi phải đối mặt với nhiều áp lực trong những năm gần đây, như sự đau buồn và tức giận của người dân sau khi một bác sĩ ở tâm điểm dịch Vũ Hán mất đi sinh mạng do virus.

Bác sĩ Lý Văn Lượng là một trong số những người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về virus vào cuối tháng 12, nhưng anh chỉ nhận được lời khiển trách của chính quyền và bị kiểm duyệt.

Người bác sĩ nay được tôn vinh như một người hùng, tin tức về cái chết của anh đã thúc đẩy các phương tiện truyền thông xã hội đòi quyền tự do và tự do ngôn luận nhiều hơn – trong khi các quan chức bị phỉ báng vì đã để dịch bệnh trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe quốc gia thay vì lắng nghe lời bác sĩ cảnh báo.

10 giáo sư ở Vũ Hán đã cùng ký thư kêu gọi tự do ngôn luận ở Trung Quốc sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã cảnh báo về virus corona và chết vì chính loại virus này (ảnh chụp màn hình ARIRANG NEWS/ YouTube).

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc “cảm thấy có chút tội lỗi vì đã phản ứng quá chậm khi dịch bắt đầu. Bây giờ họ đang phản ứng thái quá”, Jean-Pierre Cabestan, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông cho biết.

Chiến dịch hiện tại nhằm mục đích cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đã động viên người dân tuân theo các biện pháp phòng ngừa và “chặn thông tin”, Cabestan cho biết.

Nhưng một số nhà hàng ở Bắc Kinh đang chống lại quy định và vẫn mở cửa bất chấp dịch virus corona.

“Ủy ban khu phố đến bảo tôi đóng cửa, tôi từ chối”, một chủ nhà hàng Bắc Kinh cho biết.

“Chúng tôi giữ gìn nhà bếp cẩn thận, mọi thứ rất sạch sẽ. Đóng cửa sẽ không thay đổi bất cứ điều gì”, anh nói trong nhà hàng trống rỗng của mình.

Chủ sở hữu nhà hàng, người không muốn nêu tên vì sợ bị trả thù – đã nhiếc móc người dân Trung Quốc là “những người tuân lệnh mà không suy nghĩ như nô lệ” khi dịch bệnh có nguy cơ đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng phá sản.

“Chúng tôi không thể như thế này mãi”, anh nói. “Còn tiền thuê nhà cần phải trả”.