Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động chiến dịch loại bỏ các ấn phẩm “gây hại cho sự đoàn kết dân tộc” vào năm ngoái, nhiều cuốn sách đã biến mất khỏi thư viện dành cho học sinh, sinh viên. Nhiều người liên tưởng chiến dịch này với cuộc Cách mạng Văn hóa mà ĐCSTQ thực hiện trong khoảng thời gian từ 1966-1976.
Vào tháng 10/2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu thư viện ở các trường học trên khắp cả nước phải tiêu hủy những quyển sách “phá hoại sự đoàn kết dân tộc, chủ quyền hoặc các vùng lãnh thổ của quốc gia, những quyển sách làm đảo lộn trật tự và bất ổn xã hội, những cuốn sách vi phạm các nguyên tắc và chính sách của đảng, bôi nhọ hoặc phỉ báng đảng, lãnh đạo đất nước và các anh hùng”. Tất cả các sách và tạp chí xuất bản định kỳ trong đó có nội dung truyền bá và dạy tôn giáo cũng được yêu cầu loại bỏ.
Chiến dịch hủy hoại sách báo này của ĐCSTQ đã làm dấy lên sự chỉ trích mạnh mẽ từ công chúng, người dân so sánh chiến dịch này với những gì đã xảy ra trong quá khứ, như việc lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc cho đốt sách trong Cách mạng Văn hóa hay hành động tương tự mà Đức Quốc xã đã làm ở Đức vào năm 1933.
Theo lệnh của Bộ Giáo dục, các tỉnh sẽ phải nộp báo cáo việc rà soát và loại bỏ “sách báo độc hại” trước ngày 31/3/2020. Cộng tác viên của Bitter Winter đã đến thăm một số thư viện của các trường tiểu học, trung học và đại học ở một số tỉnh để điều tra tình hình và phát hiện thấy một số vấn đề.
Sách tuyên truyền thế chỗ sách viết về tôn giáo
Ở tỉnh miền trung Hà Nam, các tài liệu viết về tôn giáo đã được loại bỏ khỏi các kệ sách trong nhiều thư viện. Khi một người tìm kiếm các đầu sách về tôn giáo trên các trang web của những thư viện này thì nhận được một thông báo rằng họ không thể mượn sách. Ở một số thư viện, chỉ còn lại một vài cuốn sách viết về nghệ thuật trong tôn giáo.
Tất cả các cuốn sách về tôn giáo đã biến mất khỏi thư viện vào đầu tháng 11; ngay cả những cuốn sách bàn về tử vi, một sinh viên đại học ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nói với Bitter Winter. Nam sinh viên này cho biết thêm rằng những cuốn sách đó đã được thay thế bằng sách tuyên truyền, chẳng hạn như cuốn “Những câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông” hay “Những tác phẩm tuyển chọn của Đặng Tiểu Bình”.
“Chính phủ kiểm soát chặt chẽ và điều tra tất cả các cuốn sách về tôn giáo, cấm chúng”, một người làm việc trong một thư viện của một trường đại học ở tỉnh Hà Nam cho hay. Người này thông tin thêm rằng, các trường đại học giảng dạy khoa học và kỹ thuật mà anh biết đã loại bỏ tất cả các sách tôn giáo, còn các trường đại học nghệ thuật và nhân văn vẫn giữ một số lượng nhỏ những cuốn sách như vậy nhưng chỉ giới hạn trong các thư mục đặc biệt, tách biệt và được kiểm soát chặt chẽ.
Khi cộng tác viên của Bitter Winter hỏi thủ thư để mượn một cuốn sách tôn giáo phục vụ cho việc viết một bài luận, thủ thư trả lời rằng chỉ cho phép đọc cuốn sách đó khi người mượn được cấp một giấy phép đặc biệt. Người thủ thư cũng gợi ý rằng không nên viết luận về đề tài tôn giáo bởi nhà nước kiểm soát chặt chẽ các đề tài dạng này. “Nếu bài luận không tuân thủ các chính sách của nhà nước, thì rất khó để vượt qua kỳ thi”, người thủ thư cảnh báo.
“Trẻ em không biết gì về tôn giáo, nhưng chính phủ vẫn ra lệnh cho tất cả các trường mẫu giáo kiểm tra xem có lưu giữ sách tôn giáo hay không”, một giáo viên mẫu giáo ở tỉnh Sơn Đông nói với Bitter Winter. “Những đứa trẻ được yêu cầu phải yêu mến đảng và ủng hộ lãnh đạo Tập Cận Bình. Việc điều tra sách này khiến tôi nhớ về thời Cách mạng Văn hóa”.

Hủy sách cấm là nhiệm vụ chính trị
Theo ghi nhận của Bitter Winter, các trường tiểu học và trung học ở Khu tự trị Nội Mông, tỉnh Liêu Ninh, Sơn Đông và Hà Nam đã phải tổ chức các cuộc họp đặc biệt để thảo luận về các biện pháp nhằm thi hành kế hoạch rà soát và loại bỏ sách cấm được cấp trên yêu cầu triển khai từ tháng 10 đến tháng 12/2019.
Một giáo viên trung học ở Nội Mông nói với Bitter Winter rằng các quan chức của Phòng An ninh và Phòng Văn hóa đã tổ chức nhiều lần việc điều tra các thư viện trường học, coi đây là một phần trong chiến dịch toàn quốc “xóa bỏ các tài liệu khiêu dâm và các ấn phẩm bất hợp pháp”. Nhiều cuốn sách, bao gồm cả sách bằng tiếng Mông Cổ về Phật giáo Tây Tạng và kể cả những sách bằng tiếng Quan thoại viết về 12 con giáp, hay lý giải về giấc mơ, cũng đã bị loại bỏ khỏi các thư viện. “Họ tới kiểm tra thư viện thường xuyên, ngay cả vào Chủ nhật hoặc kỳ nghỉ, gọi cho chúng tôi [để kiểm tra] bất cứ khi nào”, người giáo viên này phàn nàn.
Một giáo viên tiểu học ở tỉnh Sơn Đông tiết lộ rằng tất cả các sách về Kinh thánh và Chúa Jesus đã bị lấy đi khỏi thư viện của trường nơi giáo viên này công tác.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở tỉnh Hà Bắc nói với Bitter Winter rằng trường của ông phải hoàn thành nhiều biểu mẫu và báo cáo theo yêu cầu của cấp trên về việc thực thi kế hoạch rà soát và loại bỏ sách cấm. “Chúng tôi được quán triệt rằng nhiệm vụ này đặc biệt cấp bách và chúng tôi phải phân công nhân sự để thực hiện. Nếu việc rà soát và loại bỏ sách không được thực hiện đúng cách, cá nhân phụ trách sẽ phải chịu trách nhiệm” theo quy định. “Mỗi trường học đã thành lập một nhóm đặc biệt để tự kiểm tra trước. Sau đó, các quan chức trong ngành giáo dục sẽ rà soát lại. Nhà nước không cho phép giới trẻ theo tôn giáo. Phòng Giáo dục đã yêu cầu chúng tôi đảm bảo rằng các học sinh phải tuân theo hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Chúng tôi không được cho phép học sinh đọc sách tôn giáo dưới bất cứ hình thức nào”.
Nhiều giáo viên nói với Bitter Winter rằng, chính quyền rất coi trọng chiến dịch điều tra loại bỏ sách cấm trong bối cảnh các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông liên tục nổ ra trong suốt năm qua, các cấp lãnh đạo yêu cầu giáo viên phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị.
Theo Bitter Winter, ĐCSTQ tin rằng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông sở dĩ diễn ra là vị ngành giáo dục đã thất bại khi thực hiện nhiệm vụ của mình, tức công tác giáo dục giới trẻ ở đặc khu vốn là thuộc địa của Anh thiếu các bài học về truyền thống yêu nước và không kiểm soát đúng mức các loại sách trong thư viện, cho phép học sinh ở đó tiếp cận những loại sách không nên đọc.