Lo ngại về thế hệ trẻ đối mặt với nguy cơ cao bị gù lưng và mắc các vấn đề về cột sống, chính phủ Ấn Độ mới ban hành quy định về trọng lượng cặp sách theo từng lứa tuổi của học sinh.

Kết quả khảo sát của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho thấy 68% học sinh dưới 13 tuổi đang chịu chứng đau lưng nhẹ, có thể phát triển thành mãn tính và sau đó dẫn đến gù lưng, Telegraph đưa tin.

Nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau lưng ở trẻ là cặp sách quá nặng, ảnh hưởng đến sự phát triển của cột sống. Khoảng 88% trẻ từ 7-13 tuổi mang cặp sách nặng hơn 45% trọng lượng cơ thể trên lưng.

Vì vấn đề này, chính phủ Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn về trọng lượng cặp sách cho học sinh ở từng độ tuổi.

Ấn Độ cũng yêu cầu nhà trường và giáo viên không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 và lớp 2 nhằm giảm áp lực học tập, đồng thời các em nhỏ cũng không cần mang sách giáo khoa về nhà.

an do cam giao bai tap ve nha va gioi han khoi luong cap sach hoc sinh
Ấn Độ yêu cầu nhà trường không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 và lớp 2. (Ảnh: PA)

Rashmi Tapke – một phụ huynh ở Ấn Độ – nói rằng cặp sách nặng phản ánh thời gian biểu kém hiệu quả của nhà trường. Bà ủng hộ kế hoạch của chính phủ, và cho rằng trẻ em sẽ không phải mang đi mang về quá nhiều sách vở.

Tại bang Maharashtra, nơi có Mumbai – thành phố đông dân nhất Ấn Độ, quy định cặp sách không được vượt quá 10% trọng lượng cơ thể của trẻ. Nhiều trường hiện sử dụng bảng trắng và máy chiếu để học sinh không phải mang theo sách giáo khoa.

Tuy nhiên, phần lớn học sinh ở các vùng nông thôn của Ấn Độ phải đeo cặp sách nặng và đi bộ một quãng đường dài để đến trường. Thậm chí các em phải đội sách lên đầu để tránh bị ướt khi lội qua suối.

“Con gái tôi phải đeo ba lô nặng 4-5 kg, thêm một hộp cơm trưa và chai nước để trong một túi riêng”, tài xế Rajinder Shukla ở bang Uttar Pradesh kể về cảnh đi học hàng ngày của con.

H.Đ (Tổng hợp)