Hoa Kỳ và 44 quốc gia khác trong Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã viện dẫn một cơ chế đặc biệt hôm thứ Năm(30/3) để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Nga trong cuộc chiến ở Ukraina, “đặc biệt liên quan đến việc cưỡng bức chuyển giao và trục xuất trẻ em của Liên bang Nga.”

Theo Mỹ và một số chính phủ châu Âu, chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dùng vũ lực trục xuất hàng nghìn trẻ em Ukraina đến Nga, thường là tới một mạng lưới hàng chục trại nơi trẻ vị thành niên trải qua cải tạo chính trị. 

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hồi đầu tháng này đã ban hành lệnh bắt giữ tổng thống Putin và một quan chức Nga khác liên quan đến vụ trục xuất cưỡng bức được báo cáo.

Trong một  tuyên bố chung , nhóm các nước tham gia Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết cái gọi là Cơ chế Mátxcơva là một bước đi nghiêm túc được thực hiện để xem xét các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Đồng thời, đã được viện dẫn “khi các nước tiếp tục lo ngại về các vi phạm luật nhân đạo quốc tế và luật pháp quốc tế cũng như luật nhân quyền sau cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện của Nga chống lại Ukraina.”

Tuyên bố lưu ý rằng các báo cáo gần đây từ các phái đoàn chuyên gia độc lập của OSCE đã xác nhận mối quan ngại chung của nhóm về “các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế của Nga ở Ukraina, và đặc biệt là các báo cáo đáng tin cậy về việc buộc phải di chuyển và trục xuất thường dân Ukraina, bao gồm cả trẻ em không có người đi kèm”. 

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraina, ông Dmytro Kuleba hoan nghênh động thái này. Ông nói trong một tweet, “chúng ta cần có những hành động chung kiên quyết để ngăn chặn hành vi diệt chủng này, đưa trẻ em trở lại Ukraina và đảm bảo rằng thủ phạm phải chịu trách nhiệm.”

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) không có thẩm quyền trừng phạt Nga một cách hợp pháp, nếu họ tìm thấy bằng chứng về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.Tuy nhiên, những phát hiện của tổ chức có thể được trao cho các cơ quan khác.

Hiện cả Nga và Ukraina đều là thành viên của OSCE gồm 57 quốc gia.