Sau vụ mất tích và tái xuất hiện của vận động viên quần vợt Bành Soái, thêm hai trường hợp mất tích của các nhà ủng hộ phong trào chống quấy rối tình dục ở Trung Quốc đã được đưa ra ánh sáng, theo Newsweek.
Cô Hoàng Tuyết Cầm (Huang Xueqin) và cô Vương Kiến Binh (Wang Jianbing) là hai nhà ủng hộ phong trào chống quấy rối tình dục #Metoo. Họ đã giúp những người giúp phụ nữ khác khai báo các vụ tấn công tình dục. Cả hai người đều bị bắt giữ vào tháng 9 và không ai biết tin tức gì về họ kể từ đó.
Vào năm 2018, cô Hoàng đã giúp một phụ nữ tên La Tây Tây (Luo Xixi) buộc tội công khai rằng, giáo sư của cô ấy tại Đại học Bắc Hàng đã ép buộc cô quan hệ tình dục với ông ta. Câu chuyện của La đã truyền cảm hứng cho hàng chục phụ nữ khác tiến về phía trước. Trường đại học đã điều tra, sau đó sa thải giáo sư.
Hãng tin AP đưa tin, khi cô Hoàng giúp khơi dậy phong trào Mi-tu ở Trung Quốc, cô đã đạt được một số khía cạnh thành công, như một bộ luật dân sự để xác định quấy rối tình dục đã được ban hành. Tuy nhiên, chính quyền cũng bắt đầu một loạt các cuộc đàn áp đối với các nhà hoạt động chống quấy rối tình dục vì lo ngại phong trào này có thể gây bất ổn cho chính phủ.
Lu Pin, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, nói với AP “Họ công khai loại trừ chúng tôi khỏi tính hợp pháp, khỏi không gian công cộng hợp pháp. Nền tảng trung gian của xã hội này đang biến mất.”
Một trong những người bạn của cô Hoàng và cô Vương, nói với AP rằng, theo thông báo cảnh sát gửi cho gia đình Vương, hai cô bị buộc tội lật đổ nhà nước. Cáo buộc mơ hồ này thường được ĐCSTQ sử dụng để dán nhãn cho những người bất đồng chính kiến.
Một dấu hiệu cho thấy phong trào #Metoo và hoạt động vì quyền phụ nữ bị đe dọa ở Trung Quốc là nhiều nhà hoạt động bị coi là công cụ can thiệp của nước ngoài. ĐCSTQ thường cáo buộc những tội danh như “chống Trung Quốc”, “gây mất ổn định xã hội”, “gây mất an ninh quốc gia” hay “phần tử khủng bố” để làm mất uy tín những người dân mà nó muốn đàn áp.
Cuộc đàn áp đang diễn ra chủ yếu nhắm vào các nhà hoạt động ít nổi tiếng, ít có tầm ảnh hưởng và những người thường làm việc với các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Câu chuyện của cô Lai đã truyền cảm hứng cho hàng chục phụ nữ khác bước ra. Hàng nghìn sinh viên đã ký vào bản kiến nghị và gây áp lực lên các trường đại học để giải quyết vấn đề bạo lực tình dục. Những người phụ nữ khác cũng đã lên tiếng, dẫn đến các cuộc thảo luận công khai về sự mất cân bằng giới tính ở nhiều nơi làm việc, sự thiếu công bằng đối với những người từng trải qua bạo lực tình dục và việc phân biệt đối xử dựa theo giới tính.
Đầu mùa xuân năm nay, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã phát động một làn sóng tấn công các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ trên nền tảng Weibo. Họ cáo buộc các nhà hoạt động với tội danh “chống Trung Quốc” và “được thế lực nước ngoài hậu thuẫn”, mặc dù không có bằng chứng.
Vào cuối tháng 4, tài khoản của khoảng 10 nhà hoạt động và tổ chức phi lợi nhuận bị hạn chế đăng bài hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn mà không rõ lý do. Liang Xiaowen, một nhà hoạt động bị mất tài khoản cho biết, Weibo thông báo rằng, tài khoản của cô “chia sẻ thông tin bất hợp pháp và có hại”.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động vẫn hy vọng rằng phong trào chống bạo lực tình dục Mi-tu đã mở ra một cánh cửa không thể đóng lại.
Chu Hiểu Tuyền, một nạn nhân từng bị quấy rối tình dục nói: “Trở thành một nhà nữ quyền bắt nguồn từ việc tìm hiểu về loại vấn đề mà bạn đối mặt. Và rất khó để từ bỏ một khi bạn đã trở thành nhà nữ quyền. Ý nghĩa rất quan trọng của #Metoo là nó đã truyền cảm hứng cho một cộng đồng nữ quyền rộng lớn.”