Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên ghi nhận, 47 trường hợp mắc sởi. Trong đó, tập trung chủ yếu tại xã Keo Lôm (41 ca), lứa tuổi mắc chủ yếu từ 1-4 tuổi.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam, ngày 11/6, Điện Biên ghi nhận 47 trường hợp mắc sởi. Các ca mắc sởi được điều trị tại bệnh viện huyện và trạm y tế xã. 3 trường hợp điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Đến nay, 12 ca đã được điều trị khỏi, không có trường hợp tử vong.

Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi.

Bên cạnh đó, Sở cũng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ ở tất cả các địa phương, đặc biệt là trẻ em từ 1-4 tuổi.

Dấu hiệu bệnh sởi

Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7 – 21 ngày, với các triệu chứng:

– Sốt cao hơn 39 độ C.

– Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng.

– Chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.

– Những mảng ban to nổi cộm lên bề mặt da ở vùng mặt, cổ cánh tay, đùi… sau đó lan dần xuống chân.

Cách phòng bệnh sởi

– Đối với trẻ 6 – 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.

– Trẻ em bị mắc bệnh sởi không nên đến trường ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Bệnh nhân sởi ở trong bệnh viện phải được cách ly đường hô hấp từ lúc bắt đầu viêm long cho đến ngày thứ 4.

– Tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt…

– Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị sởi, cần đưa trẻ đi thăm khám và điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ tránh các biến chứng như viêm phổi, viêm não…

– Thường xuyên vệ sinh răng miệng, da, mắt.

Lan Phương