Người xưa có câu “cái răng cái tóc là góc con người”. Một nụ cười trắng sáng luôn khiến bạn có thể tự tin hơn trong giao tiếp. Nhưng tại sao bộ răng của bạn lại ngày càng xỉn đi? Đâu là nguyên nhân?

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do nhé.

1. Vệ sinh răng miệng chưa sạch

Lười vệ sinh răng miệng, hay làm sạch không đúng cách làm tăng lắng đọng mảng bám trên răng, gây đổi màu răng cũng như tạo môi trường cho vi khuẩn sinh màu hoạt động. Nếu làm sạch tốt, thì những tác nhân làm đổi màu răng khó lòng mà lưu giữ trên răng của bạn được.

2. Nhiễm màu từ đồ ăn, thức uống

Thực phẩm có màu như cà phê, trà và rượu vang đỏ, nước ngọt… là những tác nhân chính gây đổi màu răng. Chúng có đặc điểm chung là có sắc tố màu mạnh mẽ được gọi là chromogens gắn lên bề mặt men răng, làm răng đổi màu.

3. Sử dụng thuốc lá

Không cần nói thì ai cũng biết, những người hút thuốc lá phần nhiều là có hàm răng xỉn màu. Thuốc lá mà, phổi còn đen huống chi là răng, vừa gây hại cho sức khỏe, vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Hai hóa chất được tìm thấy trong thuốc lá tạo ra các vết bẩn cứng đầu: Tar và nicotine. Tar tự nhiên đã sẫm màu. Nicotin là không màu cho đến khi nó được oxy hóa. Sau đó, nó biến thành màu vàng.

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe và cả thẩ mĩ ( Ảnh: Nguồn healthylife-online.com)
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe và cả thẩm mỹ. (Ảnh: Nguồn healthylife-online.com)

4. Đổi màu sinh lý theo thời gian

Răng có lớp ngoài cùng là lớp men thường trắng đục khi còn trẻ. Bên dưới lớp men là lớp ngà mềm màu vàng nhạt. Khi tuổi tăng dần, lớp ngà cũng vàng sậm hơn. Lớp men trắng đục, để che đi màu ngà thì lại trong dần hơn, làm màu ngà ánh ra ngoài hơn. Nghe thì đáng sợ nhưng nếu bạn đang còn trẻ thì còn lâu mới đến ngày ấy, và đây cũng không phải nguyên nhân chính gây đổi màu răng nên bạn không cần lo lắng nhé.

5. Ngã, va đập vào răng

Nếu bạn bị chấn thương làm mạch máu bên trong răng bị tổn thương, có thể khiến răng bị đổi màu do sắt giải phóng ra từ máu đọng lại. Vậy là giữa hàm răng trắng của bạn bỗng dưng xuất hiện một thành viên cá biệt, mà màu sắc chẳng giống những chiếc còn lại. Nếu ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến bạn phiền lòng và mất tự tin thì cũng chỉ có cách đến nha sĩ phục hình lại màu sắc chiếc răng của bạn thôi.

6. Răng nhiễm màu tetracycline, flour và một số thuốc khác

Răng tối có thể là một tác dụng phụ của thuốc kháng histamine, thuốc chống loạn thần và thuốc điều trị huyết áp cao. Trẻ nhỏ hoặc đang trong bụng mẹ dùng thuốc kháng sinh như tetracycline và doxycycline khi răng đang hình thành có thể gây đổi màu của răng khi trưởng thành. Ngoài ra, trẻ em hấp thụ lượng fluor quá cao cũng khiến răng có thể bị đổi màu. Hóa trị và bức xạ vùng đầu, cổ cũng có thể gây đen răng. Với những trường hợp này thì các phương pháp tẩy trắng gần như bó tay. Nếu bạn muốn làm chụp lại hết cho đẹp, thì chi phí ư? Không nhỏ chút nào.

7. Điều trị về răng miệng trước đây

Nguyên nhân đổi màu có thể bắt nguồn từ mối hàn cũ, đặc biệt là mối hàn kim loại amalgam (màu đen) lâu năm. Để cải thiện, bạn có thể tìm đến nha sĩ để hàn lại bằng các vật liệu khác thẩm mĩ hơn hoặc để tìm ra cách giải quyết.

Răng đã điều trị tủy lâu ngày cũng thường bị đổi màu. Làm chụp răng cũng là phương án để tìm lại màu sắc tự nhiên cho răng bạn.

8. Chảy máu lợi

Chảy máu lợi gây giải phóng sắc tố sắt từ máu cũng là nguyên nhân gây đổi màu răng. Mà lợi viêm, chảy máu thường do tồn đọng mảng bám chưa được làm sạch tốt nên bạn chỉ cần vệ sinh tốt hơn là sẽ hết viêm.

Bạn hãy nhớ chăm chỉ đánh răng nhé ( Ảnh: nguồn www.nylabone.com)
Bạn hãy nhớ chăm chỉ đánh răng nhé (Ảnh: nguồn www.nylabone.com)

Vậy để duy trì được hàm răng trắng khỏe, bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý và đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Vệ sinh tốt còn giúp duy trì môi trường trong miệng lành mạnh và hạn chế các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, chảy máu chân răng, tụt lợi…

Tú Linh

Xem thêm: