Cây 7 lá 1 hoa được mệnh danh là loài kỳ hoa dị thảo hiếm thấy của dãy Hoàng Liên sơn, loại thảo dược quý có tác dụng giải độc, điều trị nhiều bệnh vô cùng tuyệt vời.

Dưới đây là câu truyện truyền thuyết kể về việc khám phá ra loài cây quý giá này và những công dụng của nó.

Truyền thuyết kì lạ về loại cây 7 lá 1 hoa

Tương truyền rằng, cách đây rất lâu, có một thanh niên tên Thẩm Kiến San sống ở vùng núi tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Vì cả cha mẹ đều mất sớm lại không có anh chị em, nên cách duy nhất anh có thể kiếm tiền là bán củi thu lượm được trên núi.

Một hôm trong khi đang chặt củi, một con rắn độc đột nhiên lao ra khỏi bụi rậm, cắn vào chân anh. Ngay sau đó, anh ngất xỉu và ngã xuống đất. May mắn thay, đúng lúc đó có 7 nàng tiên đang đến núi Thiên Mục bay ngang qua.

Các tiên nữ trong trình diễn Nghệ thuật ShenYun (Ảnh: qua daikynguyenvn)

Nhìn thấy Kiến San nằm trên mặt đất bất tỉnh nhân sự, các nàng tiên bao quanh anh, với lòng từ bi họ đã dùng chiếc khăn san của mình để phủ lên vết thương. May mắn lớn hơn nữa, Vương Mẫu nương nương, mẹ của 7 nàng tiên tình cờ bay qua phía trên ngọn núi đã thấy những gì đang diễn ra.

Không suy nghĩ nhiều, Vương Mẫu nương nương bèn rút chiếc kẹp tóc ngọc bích ra, đặt vào giữa 7 chiếc khăn san. Do ảnh hưởng của năng lượng huyền diệu từ 7 chiếc khăn và chiếc kẹp, nọc độc đã nhanh chóng tiêu tán khỏi thân thể Kiến San và anh dần tỉnh lại.

Khi tỉnh dậy hẳn, anh nghe được một vài âm thanh lạ từ cơn gió mạnh và trông thấy 7 chiếc khăn cùng chiếc kẹp ngọc bích bỗng biến thành 7 lá cây và một bông hoa vàng. Anh lập tức chết lặng như thể vừa thức dậy từ một giấc mơ. Hơn nữa, anh thấy da chân của mình đã trơn nhẵn không có vết sẹo nào.

Cuối cùng, anh cũng nhớ ra đó chính là loài hoa dại xinh đẹp đã cứu sống mình. Sau khi trở lại làng, anh chia sẻ cuộc gặp gỡ kỳ diệu với người dân và dẫn họ đi tìm loài hoa kỳ diệu kia. Tất cả họ đều tin rằng, năng lượng thần kỳ từ loài hoa đã khiến nó có thể tiêu tán nọc độc của rắn và tà khí ra khỏi cơ thể người.

Từ đó về sau, ngay khi có ai đó bị rắn cắn, họ đều lên núi tìm loài hoa này và lần nào nó cũng mang lại hiệu quả phi thường. Khi được hỏi về tên của loài hoa, Kiến San nói nó tên là thất diệp nhất chi hoa (cây 7 lá 1 hoa). Sau này, loài hoa trở thành một loại thảo dược đặc biệt quý hiếm trong y học cổ truyền.

7 lá 1 hoa là cây gì?

7 lá 1 hoa có tên gọi thuốc là thất diệp nhất chi mai, tên khoa học là Paris poluphylla Sm thuộc họ hành tỏi.

Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi thì cây 7 lá 1 hoa là loại cỏ nhỏ nhưng sống lâu năm, thân rễ ngắn, dài chừng 5-15cm, đường kính khoảng 2,5-3,5cm, nhiều đốt, rất khó bẻ. Đầu vết bẻ trông như có bột màu trắng, vàng hay xám.

Thân rễ đều nổi trên mặt đất, mọc thẳng đứng, cao chừng 1m, phần gốc có ít vẩy do một số lá cây thoái hóa tạo thành.

Lá mọc theo trùm thường lá 7 lá, có khi là 3-10 lá. Phiến lá hình mác rộng 4-8cm, dài 15-21cm, mặt lá nhẵn, đầu phiến lá nhọn, mặt dưới màu xanh nhạt hay xanh tím; cuống dài chừng 2.5-3cm.

Nhụy hoa màu tím đỏ, bầu thường có 3 ngăn. Hoa thường nở vào tháng 10-11, quả chín mọng màu tím đen.

Cây phân bố chủ yếu ở vùng núi Hoàng Liên Sơn như: Vùng núi thuộc rừng Cúc Phương (Hà Nam), Sơn Động (Hà Giang), Ninh Bình, Sa Pa (Lào Cai), Đà Bắc (Hòa Bình).

Vào năm 1934, Péctelot có phát hiện thấy loại 7 hoa 1 lá này quanh vùng Sa Pa với nhiều loại khác nhau nhưng chưa được đưa vào sử dụng.

Tảo hữu là thân rễ phơi khô của cây thất diệp chi hoa

Phần thân rễ của cây 7 lá 1 hoa được dùng làm thuốc dưới dạng khô với tên gọi là tảo hưu. Tảo hưu thu hoạch tốt nhất vào mùa thu-đông thì dược tính của nó là tốt nhất.

Thành phần, tác dụng của tảo hưu

Theo y học cổ truyền tảo hưu có vị đắng, có độc, tính hàn, vào 2 kinh Tâm và Can. Nó có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, bình suyễn, chỉ khái.

Thường được dùng để chữa rắn độc, sâu bọ, côn trùng cắn, viêm họng, quai bị, lòi dom, viêm não truyền nhiễm, bạch hầu, ho, hen,…

Theo y học hiện đại tảo hưu có chứa các thành phần glucozit, tính chất saponin gọi là paridin C­16H28O7 và paristaphin C38H64O18 cũng là một glucozit.

Các nghiên cứu khoa học gần đây thì tảo hưu có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm mạnh, ức chế các virus, tăng cường chức năng của tuyến thượng thận, an thần, trấn tĩnh, chống ho,…

Đặc biệt có tác dụng ức chế tế bào ung thư phổi và ung thư dạ dày, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

ThS. Bs Hoàng Khánh Toàn

ThS. Bs Hoàng Khánh Toàn, trưởng khoa YHCT Bệnh viện quân đội 108 nhận xét: Nhiều nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc cho thấy, dịch chiết thất diệp nhất chi hoa đã góp phần kéo dài thời gian sống của những bệnh nhân bị ung thư dạ dày và ung thư phổi. Như vậy, có thể thấy, thất diệp nhất chi hoa là một trong những dược thảo quý có nhiều công dụng khác nhau, trong đó có tác dụng trị liệu các bệnh lý ác tính.

Gần đây người ta đã phát hiện ra thành phần tảo hưu có trong một số đơn thuốc chữa ung thư của người Trung Quốc.

Bên cạnh đó người Trung Quốc còn sử dụng cây 7 lá 1 hoa trong nhà để đuổi rắn. Dùng lá đắp vào vết rắn cắn, côn trùng đốt. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Người Tây Âu còn dùng cây 7 lá 1 hoa để làm thuốc tẩy, chống co thắt, sưng tấy.

Một số bài thuốc từ cây 7 lá 1 hoa

Chữa rắn độc cắn: Dùng bột tảo hưu uống 2-3 lần ngày. Dùng 6g/lần. Hoặc có thể sắc 20g tảo hưu lấy nước uống trong ngày. Dùng thân rễ tươi giã nát, trộn với rượu trắng đắp vào chỗ bị rắn cắn không kể liều lượng.

Chữa sốt cao co giật, quai bị, sởi: 4g tảo hưu, 12g bạc hà, 8g thiên hoa phấn sắc lấy nước uống. Chia là 3 lần uống trong ngày.

Chữa trẻ nhỏ kinh sài, chân tay co giật: Dùng bột tảo hưu để uống, uống 4-5 lần/ ngày, mỗi lần 0,5-1g.

Chữa lòi dom: Mài tảo hưu với dấm rồi bôi trực tiếp nước thuốc vào hậu môn, đắp gạc vào rồi đẩy nhẹ lên. Ngày làm 2-3 lần.

Chữa ho, hen suyễn lâu ngày: Sắc 15g tảo hưu lấy nước uống; hoặc hầm với thịt gà hay phổi lợn để ăn.

Chữa các loại mụn độc sưng thũng: Tảo hưu trộn với dấm, giã nát, đắp lên chỗ sưng đau. Làm đến khi khỏi bệnh.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.