Mới đây, một nghiên cứu ở Anh đã chỉ ra, việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trong môi trường quá sạch sẽ có thể làm giảm khả năng miễn dịch của trẻ em, tạo điều kiện cho ung thư máu phát triển. 

Nghiên cứu kéo dài 30 năm của Giáo sư Mel Greaves, thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư ở London (Anh) cho thấy, những đứa trẻ ăn ở quá sạch sẽ và không được tiếp xúc với vi khuẩn sẽ có nguy cơ mắc ung thư bạch cầu nguyên bào cấp tính cao hơn bình thường, theo Daily Mail.

Trẻ em dễ mắc ung thư máu do sống... quá sạch
(Ảnh: BBC)

Ông tin rằng, những đứa trẻ ở quá sạch dễ mắc ung thư bạch cầu hơn do trẻ không được kích thích đúng mức.

Hệ miễn dịch yếu đi, tạo điều kiện sinh ra nhiều tế bào bạch cầu để chống chọi với bệnh tật. Việc số lượng bạch cầu tăng đột biến sẽ khiến bạch cầu quay sang tấn công hồng cầu, khiến hồng cầu bị hủy hoại dần, gây ra bệnh ung thư bạch cầu.

Giáo sư Mel Greaves phân tích thêm, đây là một nghịch lý của xã hội hiện đại, khi mà môi trường sống được giữ đến mức quá sạch, dẫn đến gây ra căn bệnh chết người.

Nghiên cứu không nhằm chỉ trích các bố mẹ sống quá sạch sẽ mà muốn chứng minh cuộc sống hiện đại đi kèm cái giá phải trả. Đặc biệt, khi đã xác định nguyên nhân ung thư máu đến từ lối sống, giáo sư Greaves tin rằng có thể phòng tránh bằng cách cho trẻ em tiếp xúc với nguồn vi khuẩn có lợi để hệ miễn dịch được khỏe mạnh hơn.

Nên cho trẻ có các hoạt động bên ngoài để tiếp xúc với thiên nhiên và người khác. (Ảnh: thanhnien.vn)

Giáo sư Greaves khuyên phụ huynh nên cho trẻ chơi ngoài vườn, ngoài trời, tiếp xúc với trẻ khác ở trường mầm non, cho con bú trong những tháng năm đầu đời… Việc cho trẻ đi học mẫu giáo thay vì giữ trong nhà giúp giảm nguy cơ bệnh bạch cầu đến 30%, theo Telehraph.

Bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính là một bệnh ung thư dòng tủy của các tế bào máu. Đặc trưng bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của các tế bào máu trắng bất thường tích tụ trong tủy xương và ảnh hưởng đến việc tạo ra các tế bào máu bình thường.

Dấu hiệu và triệu chứng: Khi các tế bào bạch cầu ác tính nhân lên trong tuỷ xương, sự sản xuất các tế bào máu giảm. Do đó, trẻ em có thể bị mệt mỏi và khó chịu do thiếu máu. Trẻ bị bệnh có thể bị các vết thâm tím và chảy máu kéo dài do thiếu tiểu cầu trong máu. Đôi khi, trẻ em bị nhiễm khuẩn vì số lượng bạch cầu bình thường thấp.

Lan Phương