Em bé của bạn bây giờ đã 12 tuần tuổi rồi! Đây có thể là lúc bạn quay lại làm việc. Làm thế nào để đảm bảo được các lần bú cho em bé? Cách bảo quản sữa mẹ ra sao? Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ chế độ ăn uống của bé ở tháng thứ 3 với bác sĩ nhi khoa Alain Bocquet.

1. Cho bé bú vào lúc 3 tháng

Đến thời điểm này, bé của bạn đã được 3 tháng, bé nặng chừng 5,5 kg. Tuy nhiên, cân nặng của bé tùy thuộc vào kích thước và giới tính, ở chế độ hấp thụ sữa mẹ hoặc sữa sơ sinh. Lúc này, sữa vẫn là thức ăn duy nhất của em bé. Bạn sẽ phải chờ ít nhất một tháng nữa trước khi bắt đầu đa dạng hóa thực phẩm, khoảng từ 4 – 6 tháng.

Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, sẽ không có thay đổi so với tháng trước. Bạn tiếp tục cho bé bú theo nhu cầu. Như một lời nhắc nhở, sữa mẹ là lý tưởng cho em bé. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cho con bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng.

Sữa mẹ có thể lưu trữ để cho bé bú khi mẹ không ở cạnh bé. (Ảnh: Photo AC)

Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng cho người phụ nữ phải làm việc. Nếu bạn trở lại với công việc, hãy sử dụng một máy hút sữa. Bạn phải có một nơi thích hợp và một tủ lạnh để lưu trữ sữa của bạn. Sữa hút ra có thể được lưu trữ trong 48 giờ trong tủ lạnh và 4 tháng trong tủ đá. Hãy nhớ ghi chú ngày trên chai sữa. Để vận chuyển đến nhà trẻ, hoặc từ nơi làm việc của bạn, hãy sử dụng túi cách nhiệt.

Lưu ý: Sữa được giữ trong tủ lạnh sẽ cho bé bú trong vòng 24 giờ. Bạn có thể chia sữa ra từng khẩu phần nhỏ và bảo quản sữa cho lần bú tiếp theo.

2. Số lượng chai sữa cho em bé 3 tháng tuổi

Về số lượng bình sữa, lúc 3 tháng, em bé của bạn uống trung bình 4 bình (chai 180 ml). Nhưng cũng tùy thuộc vào từng trẻ. Bạn nên lắng nghe con mình và không quá cứng nhắc về số lượng chai. Tuy nhiên, theo quy tắc của Appert, liều sữa hàng ngày của trẻ em lúc 3 tháng là khoảng 750 – 800 ml.

Thời điểm 3 tháng tuổi, bé bú 4 bình sữa (mỗi bình 180ml) mỗi ngày. (Ảnh: Pixnio)

Nhớ rửa tay trước khi chuẩn bị pha sữa. Về nước pha sữa, bạn hãy chọn loại đóng chai ít chất khoáng hóa. Về sữa, có nhiều loại khác nhau:

  • Các loại sữa ‘tiêu chuẩn’ cho những trẻ khỏe mạnh.
  • Các loại sữa dành riêng cho trẻ bị các rối loạn chức năng (trào ngược, táo bón, đau bụng…).
  • Các loại sữa trị liệu cho trẻ em bị dị ứng với protein sữa bò (CMLA) hoặc không dung nạp lactose.

Các tiêu chí chính để chọn sữa ‘tiêu chuẩn’ là mức protein, sự hiện diện của các axit béo không bão hòa và độ muối.

3. Phải làm gì khi bé bú mà cảm thấy không no?

Em bé của bạn bú một cách rất nhanh chóng và sau đó có cảm giác muốn bú thêm. Để ngăn chặn nguy cơ béo phì, bác sĩ nhi khoa sẽ theo dõi sự phát triển của trẻ theo sơ đồ phát triển. Nếu đường cong của sơ đồ phát triển là song song với các đường cong được đề xuất, có nghĩa là liều lượng của sữa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của bé. Ngược lại, nếu đường cong trọng lượng của bé vượt qua các đường cong chuẩn đề xuất. Như vậy, việc điều chỉnh lượng sữa mỗi ngày cho bé là cần thiết.

Không phải được bú nhiều là tốt. Đối với trẻ em có cảm giác khó no mà thuộc trường hợp cần kiểm soát trọng lượng, bạn có thể lựa chọn sữa bột cho trẻ sơ sinh với tỷ lệ casein cao (casein là thành phần cơ bản của protein sữa động vật), khoảng 80% tổng protein. Casein cho cảm giác no lâu hơn bởi được tiêu hóa chậm hơn. Lượng đường trong máu của bé sẽ tăng nhanh hơn nhưng sẽ ổn định lâu dài.

Theo Doctissimo Bebes
Hồng Phúc biên dịch

Từ Khóa: