Theo thông tin của trung tâm Y tế quận 12 (Tp.HCM), tháng 7/2018 tại phường Hiệp Thành, đã có một bệnh nhi (7 tuổi) tử vong do mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ Vũ Đức Diễn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, trung tâm Y tế quận 12 cho Người Đưa Tin biết, bé bị sốt xuất huyết, được gia đình cho đi bệnh viện theo dõi. Tuy nhiên, bệnh nhi đã tử vong sau 6 ngày điều trị tại bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi tử vong có thể do miễn dịch kém vì béo phì.

Theo trung tâm Y tế dự phòng Tp.HCM, từ đầu năm 2018 đến nay, có hơn 6.200 ca nhập viện vì sốt xuất huyết, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ 16/6-15/7, số ca nghi ngờ do sốt xuất huyết nhập viện chiếm hơn 1.400 ca, tăng 74% so với cùng kỳ tháng trước, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại phường Hiệp Thành (quận 12), tháng 7 có 40 ca sốt xuất huyết, xuất hiện nhiều tại các khu phố 3, 4, và 6.

Trước đó, năm 2017, Tp.HCM đã ghi nhận có hơn 20.000 ca nhập viện do sốt xuất huyết và có 6 ca tử vong.

Các bác sĩ cho biết, vào mùa mưa, tình hình bệnh tại các quận, huyện trong thành phố đều tăng. Để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, ngành y tế quận 12 đã tích cực truyền thông tới các tổ dân phố, người dân, trường học, khu dân cư… về các biện pháp phòng chống dịch bệnh này.

Muỗi vằn Aedes là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Loại muỗi này có khả năng mang virus sốt xuất huyết Dengue truyền từ người này sang người khác thông qua việc đốt và hút máu người. Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh thường khởi phát bằng cơn sốt kéo dài trong khoảng 7 ngày. Bệnh nhân có thể bị sốt từ 39,5 – 41,4 độ C, kèm theo đau đầu và đau xương khớp. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì; Nôn tăng; Đau bụng hoặc tăng cảm giác đau; Tiểu ít; Chảy máuchân răng, máu cam…

Lưu ý

Để phòng ngừa sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

– Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn.

– Thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

– Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

– Khi ngủ thì nên mắc màn để không bị muỗi đốt, dùng bình xịt côn trùng để loại bỏ muỗi.

– Mặc các loại trang phục có màu sáng và che kín da thay vì quần áo tối màu để tránh tạo sự thu hút cho muỗi.

– Nếu phát hiện ra những biểu hiện của bệnh, cần đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tư vấn phương pháp chữa trị kịp thời.

Phương Nam