Mục Điểm tin Sức khoẻ ngày 28/5 của DKN.tv xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

  • Phi công người Anh mắc COVID-19 đã tỉnh lại, cử động được các ngón tay
  • Ăn dứa mát hay nóng: Chuyên gia đưa ra câu trả lời chính xác nhất
  • Mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh Covid-19
  • Thu hồi lô thuốc Bài Thạch trị sỏi thận

Phi công người Anh mắc COVID-19 đã tỉnh lại, cử động được các ngón tay (Báo VTC New)

Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, bệnh nhân 91 – phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiên lượng còn nặng vì lưu lượng ECMO cao và nhiễm trùng phổi chưa kiểm soát được.

Cụ thể, sau khi ngưng thuốc an thần giãn cơ bệnh nhân đã tỉnh, đã có phản xạ ho và cử động được các ngón tay, còn cơ hoành và các cơ khác còn liệt.

Phổi bệnh nhân cải thiện thêm một phần, để duy trì oxy máu SpO2 90-95%, lưu lượng máu ECMO giảm được từ 4,5 lít/ phút vào ngày 22/5 xuống 4 lít/phút ngày 26/5 (thời điểm phổi tổn thương nặng nhất vào tháng 4/2020 cần 5,6 lít/phút).

Quá dứa nhỏ. (Ảnh: Pixabay)

Ăn dứa mát hay nóng: Chuyên gia đưa ra câu trả lời chính xác nhất (Báo Khỏe & Đẹp)

Dứa có tính bình, nhiều chất xơ, vitamin C giúp làm mát, đẹp da. Tuy nhiên, nhiều người ăn dứa gặp tình trạng phát nóng, nhiệt, loét miệng.

Lý giải vấn đề này, Bác sĩ Đào Thị Ngọc (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết, chất bromelain trong dứa có thể gây dị ứng nhẹ ở da với một số người nếu ăn nhiều. Chất bromelain nếu dùng chung với các loại kháng sinh như amoxicillin, tetracycline, chloramphenicol có thể tăng sự hấp thụ các chất kháng sinh làm nồng độ thuốc trong máu cao.

Sự kết hợp của một loại enzyme trong dứa và tính axit của loại trái này là lý do gây ra nhiệt miệng đối với những người ăn hoặc uống nhiều nước dứa.

Do đó, để tránh tình trạng ăn dứa bị phát nóng ra ngoài hoặc bị loét miệng, chúng ta cần sử dụng loại quả này một cách khoa học. Cụ thể, một tuần chỉ nên ăn dứa khoảng 1 lần, bổ sung các đa dạng các loại rau củ để giữ vóc dáng, làm đẹp da.

Mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh COVID-19 (Báo Người Lao Động)

Hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch. Do đó, những người hút thuốc dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cả COVID-19. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lưu ý, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng.

Lô thuốc viên nén Bài Thạch bị thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Thu hồi lô thuốc Bài Thạch trị sỏi thận (Báo Zing)

Sở Y tế Hà Nội vừa có thông báo thu hồi trên địa bàn Hà Nội thuốc viên nén Bài Thạch, SĐK: VD-19811-13, số lô: 270819, NSX: 30/8/2019, HD: 30/08/2022, do Công ty cổ phần Dược Danapha sản xuất. Mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn (vi phạm mức độ 3).

Bài Thạch là thuốc điều trị sỏi thận – tiết niệu, sỏi mật, viêm túi mật và phòng ngừa tái phát, đặc biệt sau khi tán sỏi hoặc mổ lấy sỏi.