Tiếu đêm nhiều lần gặp ở cả người trẻ và người cao tuổi, gây những tác hại như mêt mỏi, mất ngủ, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tiểu đêm là triệu chứng bạn bị tỉnh giấc vào ban đêm vì nhu cầu phải đi vệ sinh, khác với việc tình cờ thức giấc và đi tiểu.

Khi ngủ, máu sẽ tăng tuần hoàn đến thận, nên nếu đột nhiên thức giấc, bạn dễ có nhu cầu phải giải phóng lượng nước tích trữ. Tuy nhiên, nếu cảm giác buồn đi vệ sinh đánh thức bạn dậy thì có thể là dấu hiệu báo trước những chứng bệnh đáng lo, đặc biệt ở nam giới đường ống sinh dục và bài tiết đi chung một đường cũng dễ liên quan đến các bệnh về sinh lý nam.

Để nhận định tốt hơn về sức khỏe và kiềm chế chứng tiểu đêm khá khó chịu này, bạn nên xem xét các nguyên do phổ biến sau để biết nó thuộc về nguyên nhân bệnh lý hay tình trạng rối loạn không do bệnh lý.

1. Uống nước quá nhiều trước khi ngủ

Mọi người thường không nhận thức được lượng nước mình uống trước khi ngủ. Vì thế, bạn nên ngừng uống nước khoảng 2 tiếng trước giờ ngủ và nên đi vệ sinh trước khi lên giường. Nếu đã tuân thủ việc này nhưng vẫn mắc chứng tiểu đêm, bạn nên tìm tới bác sĩ.

Hạn chế dùng đồ uống gần giờ đi ngủ (Ảnh: Internet)

2. Uống rượu, trà, cà phê gần giờ ngủ

Cả alcohol và caffeine đều làm tăng lượng nước tiểu. Bạn nên ngừng đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê vào khoảng 6 giờ tối và ngưng uống rượu khoảng 3 giờ trước khi ngủ.

3. Thiếu hormon chống bài niệu

Lão hóa sẽ làm giảm lượng hormon chống bài niệu, loại hormon giúp thận kiểm soát lượng dung dịch. Lượng hormon này càng thấp, bạn càng đi tiểu nhiều hơn. Hormon này bắt đầu giảm vào khoảng 40 tuổi, nhưng cũng có người đến 60-70 tuổi mới bị giảm.

Thiếu hormon chống bài niệu cũng dễ gây tiểu đêm (Ảnh: Internet)

4. Bị nhiễm trùng tiết niệu

Nếu là phụ nữ và không có các nguyên do trên, lý do phổ biến khác là bị viêm nhiễm đường tiết niệu. Khi ấy, việc bài tiết đi cùng với cảm giác rát bỏng, khó chịu. Dù nam giới ít bị viêm hơn, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng khiến họ mắc tiểu liên tục, ngay cả ban đêm, và họ cũng bị đau rát.

5. Chân bị sưng lên

Nếu bàn chân hay cẳng chân bị sưng lên, phần dưới cơ thể bạn đã bị tích nước, khiến bạn buồn tiểu nhiều khi nằm. Khi bị bệnh này, bạn nên kê cao chân trong vài tiếng trước khi ngủ, giúp dịch lỏng ở phần dưới di chuyển lên trên.

6. Bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường

Đo đường huyết và huyết áp (Ảnh: Internet)

Khi mắc bệnh này, cơ thể sẽ tăng sản xuất nước tiểu để thanh lọc đường thừa trong máu. Nếu được chữa trị, cảm giác buồn tiểu này sẽ mất đi. Để nhận biết bất thường về đường trong máu, bạn cũng có thể để ý mình có bị cảm giác khát liên tục hay không.

7. Bệnh tình dục

Vài căn bệnh lây qua đường tình dục có thể khiến mắc tiểu thường xuyên, ví dụ như bệnh lậu. Cảm giác đau rát khi đi tiểu cũng là dấu hiệu có thể của bệnh tình dục.

8. Tử cung, buồng trứng nở rộng

Nhiều chứng bệnh ví dụ như u nang buồng trứng, ung thư tử cung…, có thể khiến những cơ quan nội tạng này lớn lên. Nếu quá lớn, chúng sẽ đè lên bàng quang, gây cảm giác mắc tiểu thường xuyên.

9. Sa bàng quang

Tập luyện để tăng cường sức khỏe (Ảnh: Internet)

Cơ, dây chằng, mô liên kết giúp sàn xương chậu của người nâng đỡ bàng quang và các cơ quan nội tạng khác. Khi lão hóa hoặc sau sinh con, sàn xương chậu có thể yếu đi và bàng quang bị trượt hoặc sa xuống, tạo áp lực đè lên nó. Phụ nữ nên tập Kegel để tránh sa bàng quang.

10. Vấn đề về tuyến tiền liệt

Hệ tiết niệu (Ảnh: Internet)

Tuyến tiền liệt của nam giới không ngừng phát triển trong đời sống. Do đó, khi có tuổi, đàn ông dễ bị các vấn đề về tuyến tiền liệt. Tuyến này lớn lên có thể đè ép đường tiết niệu, khiến nam giới khó đi tiểu, và có cảm giác buồn tiểu thường xuyên.

Khi đã tìm ra nguyên nhân bạn cần điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt và đi khám bác sĩ để có biện pháp kịp thời.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.