Đối với người bệnh tăng huyết áp, ngoài việc uống thuốc giúp huyết áp ổn định, thì việc lựa chọn và duy trì một chế độ ăn khôn ngoan và thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh thường tỏ ra lúng túng khi chọn dùng đồ ăn hàng ngày để có được một chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Vậy bệnh nhân tăng huyết áp nên ăn gì?

Rau muống

Hàm lượng canxi khá cao trong rau muống rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và giữ cho huyết áp ở giới hạn bình thường. Rau muống đặc biệt có ích với những người tăng huyết áp có triệu chứng đau, nặng đầu.

Cần tây

Có tác dụng làm giãn mạch, lợi tiểu và nhờ đó làm giảm huyết áp. Nên dùng loại càng tươi càng tốt, rửa thật sạch, giã nát rồi ép lấy nước (nếu có máy ép thì càng tốt). Chế thêm một chút mật ong, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 40ml.

Ảnh: youtube.com

Cải cúc

Là loại rau thông dụng, có hương thơm đặc biệt, chứa nhiều acid amin và tinh dầu, có tác dụng giúp làm thanh nhẹ đầu óc và giảm huyết áp, thích hợp với bệnh nhân tăng huyết áp, kèm theo triệu chứng đau, nặng đầu. Bạn nên dùng làm rau ăn hàng ngày hoặc ép lấy nước cốt uống, mỗi ngày chừng 50ml, chia 2 lần sáng, chiều.

Măng lau

Công dụng của măng lau là hoạt huyết, thông tràng vị, chống phiền khát và thoải mái lồng ngực. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng măng lau có tác dụng trừ mệt mỏi, giúp tăng cường thể lực, làm giãn mạch, lợi niệu, cường tim, chống ung thư, rất thích hợp cho người bị xơ vữa động mạch và cao huyết áp.

Ảnh: marrybaby.vn

Hành tây

Có tác dụng giảm huyết áp do trong thành phần của hành tây không chứa chất béo, có khả năng làm giảm sức cản ngoại vi, duy trì sự ổn định của quá trình bài tiết muối natri trong cơ thể. Ngoài ra, vỏ hành tây còn chứa nhiều rutin giúp làm tăng sức bền của thành mạch máu, vì thế có khả năng giảm nguy cơ tai biến mạch máu não.

Đậu Hà Lan và đậu xanh

Là hai loại thực phẩm rất có lợi cho người bị tăng huyết áp. Hàng ngày bạn nên dùng một nắm giá đậu Hà Lan, rửa sạch rồi ép lấy nước uống hoặc dùng làm rau ăn thường xuyên. Kinh nghiệm dân gian thường dùng đậu xanh hầm với hải đới hoặc đậu xanh và vừng đen sao thơm, tán bột ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 50g để phòng chống tăng huyết áp.

Ảnh: cookpad.com

Cà chua

Ngoài khả năng hạ huyết áp, loại quả này còn có công dụng thanh nhiệt giải độc, làm mát máu. Cà chua là thực phẩm rất giàu vitamin C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1 – 2 quả cà chua sẽ có khả năng phòng chống tăng huyết áp rất tốt, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt (dĩ nhiên cần chọn đúng loại cà chua sạch để bảo đảm an toàn thực phẩm).

Cà tím

Loại thực phẩm giàu vitamin P này giúp duy trì sự mềm mại của thành mạch máu, dự phòng tích cực tình trạng rối loạn vi tuần hoàn hay gặp ở những người bị tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.

Ảnh: Kenh14

Cà rốt

Nước ép cà rốt là thứ đồ uống cực tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp, nhất là những người có biểu hiện đau đầu, chóng mặt. Nó có tác dụng làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp. Nên dùng dạng tươi, rửa sạch, ép lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần chừng 50ml.

Củ cải đường (củ dền)

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sức khỏe của những người mắc bệnh tăng huyết áp được cải thiện đáng kể sau khi uống nước ép từ củ cải đường. Ngoài ra, thành phần nitrat trong nước ép từ củ cải đường có thể giúp hạ huyết áp chỉ trong 24h. Bạn có thể ép củ cải đường lấy nước uống hay đơn giản, bạn nấu chín củ cải đường để ăn.

Ảnh: Soha

Khoai tây

Trong thành phần của khoai tây có chứa hai loại khoáng chất là kali và magiê giúp hạ huyết áp. Đồng thời, trong khoai tây giàu chất xơ rất cần trong khẩu phần mỗi bữa ăn của gia đình bạn. Bạn có thể thưởng thức một củ khoai tây nướng như một món ăn chính trong bữa tối thay vì ăn những đồ ăn chứa bơ béo, muối, kem chua bằng sữa chua hay các món sốt nóng.

Nấm hương và nấm rơm

Là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có khả năng phòng chống xơ vữa động mạch và hạ huyết áp, lại rất giàu các vi chất dinh dưỡng, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Mộc nhĩ

Là thức ăn lý tưởng với bệnh nhân tăng huyết áp, nhất là người đã có biến chứng xuất huyết đáy mắt. Hàng ngày, bạn có thể dùng mộc nhĩ trắng 10g hoặc mộc nhĩ đen 6g, đem nấu nhừ rồi chế thêm 10g đường phèn ăn trong ngày.

Ảnh: startaster.com.

Tỏi

Có công dụng hạ mỡ máu và hạ huyết áp. Bệnh nhân tăng huyết áp nên ăn vài tép tỏi sống mỗi ngày, cũng có thể ăn tỏi ngâm dấm hay 5ml dấm ngâm tỏi thì có thể duy trì huyết áp ổn định ở mức bình thường.

Sữa đậu nành

Là đồ uống lý tưởng cho người bị tăng huyết áp, có khả năng giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và hạ huyết áp. Mỗi ngày, bạn nên dùng 1.000ml sữa đậu nành pha với 100g đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.

Sữa tách béo và sữa chua

Các loại sữa không đường là một nguồn dinh dưỡng vô cùng tuyệt vời trong việc cung cấp canxi, ít chất béo, đều rất hữu ích trong hạ huyết áp. Thay vì ăn các loại sữa có hàm lượng chất béo cao thì bạn nên ăn những loại sữa ít chất béo như các loại sữa chua.

Ảnh: 24h.com.vn

Cháo bột yến mạch

Là loại thực phẩm giàu chất xơ, hàm lượng chất béo và natri thấp, và rất rẻ nên cháo bột yến mạch được xem là một trong những loại thực phẩm rất phổ biến đối với những người huyết áp cao. Bạn không nên cho thêm đường, mà bạn nên bổ sung thêm các loại quả tươi, lạnh để ăn kèm với cháo bột yến mạch.

Các loại hạt

Ngoài kali, các loại hạt còn chứa magiê và nhiều khoáng chất khác cũng có tác dụng hạ huyết áp. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn các loại hạt tươi hoặc chưa được tẩm muối. Hạt hướng dương, hạt dẻ, quả óc chó, hạt bí có thể dùng như một bữa nhẹ dinh dưỡng.

Dầu ô liu

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Mỹ cho thấy, khi kết hợp các loại chất béo chưa bão hòa chứa nhiều trong dầu ô liu và các loại rau tươi có thể tạo ra một loại axit béo giúp hạ huyết áp.

Ảnh: pixabay.com

Là một nguồn protein nạc tuyệt vời. Các loại cá như cá thu, cá hồi chứa nhiều axit béo omega-3, có thể hạ huyết áp, giảm viêm, giảm nồng độ triglyceride “xấu” trong máu. Ngoài omega-3, cá hồi cũng là một trong số ít những thực phẩm chứa vitamin D, dưỡng chất có tác dụng hạ huyết áp.

Táo

Là loại táo to, nhập khẩu, chứa nhiều kali có thể kết hợp với lượng natri dư thừa trong cơ thể để bài tiết ra bên ngoài, giúp cho cơ thể duy trì huyết áp ở mức bình thường. Mỗi ngày, bạn nên ăn 3 quả hoặc ép lấy nước uống 3 lần, mỗi lần chừng 50ml.

Dưa chuột

Loại quả này có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, hạ áp nhờ chứa nhiều kali. Có thể ăn sống hoặc làm dưa góp.

Dưa hấu

Đây là loại quả có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, dùng rất tốt cho người cao huyết áp vào mùa hè. Cũng có thể làm giảm huyết áp bằng cách ăn hạt dưa mỗi ngày chừng 10 – 15g.

Ảnh: pixabay.com

Chuối tiêu

Nếu muốn cung cấp kali cho cơ thể, bạn không thể bỏ qua chuối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn các loại thực phẩm giàu kali tự nhiên như chuối sẽ tốt hơn nhiều so với những thực phẩm chức năng. Mỗi ngày nên ăn 1 – 2 quả chuối tiêu để thanh nhiệt, lợi niệu, thông tiện và giáng áp. Vỏ quả chuối tiêu tươi sắc uống thay trà cũng có tác dụng tốt.

Nho

Chứa nhiều kali nên giúp giảm huyết áp, lợi tiểu, cung cấp lượng kali mất đi do dùng thuốc lợi tiểu. Dùng nho tươi hay nho khô đều tốt.

Loại quả này rất có lợi cho những người tăng huyết áp có kèm triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, đánh trống ngực… nhờ tác dụng giáng áp, thanh nhiệt, trấn tĩnh. Nên ăn mỗi ngày 1 – 2 quả lê, hoặc ép lấy nước uống.

Việt quất

Các loại quả mọng, nhất là việt quất, rất giàu chất tự nhiên flavonoid. Một nghiên cứu về mối liên hệ giữa bổ sung flavonoid và huyết áp công bố trên tờ The American Journal of Clinical Nutrition năm 2011 cho thấy, thường xuyên bổ sung flavonoid có thể giúp ngăn ngừa tăng huyết áp hiệu quả. Ngoài việt quất, bạn có thể thêm quả mâm xôi, dâu tây vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày nếu muốn giảm huyết áp.

Ảnh: panoramanow.com

Lựu

Một nghiên cứu kết luận rằng uống một cốc nước lựu mỗi ngày/lần trong 4 tuần sẽ giúp hạ huyết áp trong thời gian ngắn. Nếu không muốn uống nước ép, bạn có thể ăn lựu nguyên chất. Hiệu quả mang lại cũng tương tự.

Ngoài ra, việc ăn thêm vừng, hạt sen, ngó sen, củ cải, đậu tương, cải xanh, bắp cải, dầu thực vật, trà tâm sen… đều rất tốt cho những người bị tăng huyết áp. Người huyết áp cao nên hạn chế dùng một số thực phẩm như: lòng đỏ trứng, não, gan, thịt dê, thận lợn, mỡ động vật…

Để ổn định sức khỏe, người huyết áp cao nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc, chế độ sinh hoạt hợp lý, tránh dùng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc hay những gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng…

BS Thu Trang