Trong Đông y dùng thuốc có câu “Bổ nên đi kèm với tả” để duy trì sự cân hằng hài hòa. Bất kỳ một thực phẩm nào cũng có 2 mặt một lợi – một hại theo nguyên lý tương sinh – tương khắc, nếu quá đi dẫn đến mất cân bằng âm dương mà lợi bất cập hại.

Quả bơ

Nhiều người có thói quen dùng bơ như món ăn chính để giảm cân, ngăn ngừa bệnh tim mạch, giảm cholesterol, phòng ung thư cải thiện thị giác… Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, xem bơ như một thực phẩm chính sẽ phản tác dụng, dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe như làm tổn thương gan, dị ứng, ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc, tăng cân… Nếu bạn đang uống thuốc làm loãng máu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn quả bơ.

Chỉ nên dùng khoảng 1/6 quả bơ/ngày, tương đương với 5g chất béo và 55 calo.

Đậu nành

Đậu nành là thực phẩm bổ dưỡng chứa đạm và không có cholesterol, rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Nhưng việc tiêu thụ quá nhiều đậu nành có thể dẫn tới nguy cơ mất trí nhớ, rối loạn sinh sản, chứng loãng xương và rối loạn tuyến giáp.

Nên sử dụng 25g đạm từ đậu nành mỗi ngày, kết hợp cùng chế độ ăn ít chất béo no và cholesterol có thể giảm nguy cơ tim mạch. Lượng đậu nành này tương đương 2 bìa đậu phụ hoặc 1 bìa đậu phụ và 2 ly sữa đậu nành.

Đậu nành tốt cho tim mạch nhưng dùng nhiều gây tổn thương tuyến giáp. (Ảnh: Notre Temps)

Rau và quả

Đây là nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều mỗi ngày và trong một thời gian dài sẽ gây nên hiện tượng dư thừa xơ, làm sạch bộ máy tiêu hóa nhưng lại kéo theo luôn cả chất bổ của đạm. Ăn nhiều rau củ quả cũng cản trở sự hấp thu khoáng chất như sắt, kẽm, canxi, magiê và photpho.

Ngoài ra, đối với thực phẩm có màu đỏ như đu đủ, cà rốt, bí đỏ… có chứa nhiều carotene (tiền vitamin A) nhưng cơ thể chỉ hấp thụ một lượng carotene nhất định, còn phần dư thừa ứ đọng lại ở lớp mỡ dưới da, gây nên hiện tượng vàng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Bạn chỉ cần nạp 25 – 35g chất xơ và 300g trái cây mỗi ngày. Bạn cũng nên thay đổi loại trái cây thường xuyên nhé.

Cá chứa axit béo omega-3 rất tốt cho tim mạch và phòng bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, thực phẩm này cũng chứa độc tố kim loại nặng là thủy ngân, nhiều nhất trong cá ngừ, cá kiếm và cá mập. Nếu ăn thường xuyên, một lượng kim loại nặng tồn đọng trong cơ thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tập trung và gây suy giảm trí nhớ. Với những người đang dùng thuốc điều hòa huyết áp, nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng các chất bổ sung dầu cá vì có thể khiến huyết áp giảm mạnh.

Cá rất giàu purine, khi vào cơ thể nó sẽ phân hủy thành axit uric. Do vậy, nếu ăn càng nhiều cá sẽ càng làm tăng nguy cơ bị gút hoặc làm cho bệnh nặng thêm nếu bạn đang mắc bệnh.

Bạn nên lựa chọn những loại thủy sản chứa ít thủy ngân như tôm, cá hồi, cá trê, cá chép, mực, cá trích, cá mòi… Ăn một lượng cá từ 20 – 25g/ngày hoặc từ 2 – 3 lần/tuần. Khi cần, bạn có thể bổ sung dầu cá từ 3 – 5g/ngày là hợp lí.

Ăn nhiều cá nhiễm độc thủy ngân gây tổn thương não. (Ảnh: Soha)

Tỏi

Tỏi có đặc tính kháng viêm, chống ung thư… nhưng ăn quá nhiều có thể gây loãng máu, chảy máu nghiêm trọng, chưa kể các bệnh tiêu hóa, đau đầu và mệt mỏi.

Tùy vào sức khỏe của mỗi người. Với người bình thường khỏe mạnh, không nên tiêu thụ nhiều hơn 4 nhánh tỏi mỗi ngày. Nếu ăn quá nhiều tỏi có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong.

Trà xanh

Trà xanh mang lại rất nhiều lợi ích như giúp giảm căng thẳng, tốt cho hệ tim mạch và phòng ngừa ung thư… Tuy nhiên, nếu uống trà xanh quá nhiều, khoảng 5 ly trở lên, chất caffeine trong trà sẽ gây ức chế hấp thu sắt và một số vitamin quan trọng.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy caffeine cũng liên quan đến chứng đau đầu, bồn chồn, rối loạn tiêu hóa, kích thích, lú lẫn, run, rối loạn nhịp tim và mất ngủ. Những người nhạy cảm với chất caffeine cũng có thể bị trào ngược, ợ nóng. Uống trà quá nhiều cũng có thể khiến bạn dễ bị nhiễm flour, gây ra hiện tượng xương mau giòn, dễ vỡ.

Uống khoảng 3 – 4 cốc trà xanh mỗi ngày và không nên dùng trà quá đậm. Hạn chế uống ngay sau ăn để không ngăn cản hấp thu sắt. Tốt nhất là uống vào buổi sáng để duy trì sự tỉnh táo cho một ngày làm việc. Đồng thời, trà cũng có đủ thời gian để hết hiệu lực, không ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.

Uống trà xanh ngăn ngừa ung thư nhưng chú ý uống nhiều cũng có thể khiến bạn dễ bị nhiễm flour, gây ra hiện tượng xương mau giòn, dễ vỡ. (Ảnh: WordPress.com)

Đồ uống có cồn

Rượu bia và các đồ uống có cồn xem như là chất độc của bộ não bởi thành phần các chất kích thích và gây nghiện có trong rượu bia khi bị tích tụ lâu ngày có thể ức chế hoặc tê liệt hoạt động của các tế bào não.

Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, những người nghiện rượu thường có kích thích não bộ nhỏ hơn và khả năng ghi nhớ kém hơn hẳn so với những người không uống rượu. Một lượng rượu bia vừa phải mỗi ngày là chất kích thích não bộ nhưng quá nhiều lại gây những tổn thương trầm trọng.

Bột ngọt

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, nếu vào giai đoạn cuối của thai kỳ mà thai phụ thường xuyên dùng bột ngọt, sẽ gây ra tình trạng thiếu kẽm ở thai nhi; trẻ dưới 1 tuổi dùng quá nhiều bột ngọt có khả năng gây ra tình trạng hoại tử của các tế bào não.

Chi Mai