Hỏi: Gần đây trong nước thấy báo chí nói nhiều đến thực phẩm biến đổi gene, cây trồng biến đổi gene. Vậy đó là gì? Có liên quan đến cuộc sống người dân như thế nào? (Vĩnh Trung, Hà Nội)

Trả lời:

Mỗi sinh vật đều có một bộ gene quyết định các đặc trưng của sinh vật đó, loài đó. Bộ gene lớn nhỏ khác nhau tùy theo sinh vật. Gene thực ra là một trình tự DNA tổ hợp từ 4 mẫu tự (bases): A (adeline), C (cytosine), G (guanine), và T (thymine), chịu trách nhiệm cho một chức năng nào đó trong cơ thể. Ví dụ có gene quyết định màu mắt, có gene quyết định màu da, màu tóc…

Sinh vật biến đổi gene (Genetically Modified Organism, GMO), thường để chỉ các sinh vật mà bộ gene vốn có ban đầu của nó đã bị thay đổi do tác động nhân tạo qua các kỹ thuật sinh học, nhằm tạo ra các sinh vật mang gene của một loài khác và có thêm các đặc tính theo ý muốn của con người. Nếu thực phẩm được sản xuất từ các sinh vật đã biến đổi gene này thì được gọi là thực phẩm biến đổi gene.

Hiện nay có một số cây thực phẩm biến đổi gene đã được trồng khá phổ biến trên thế giới, ví dụ: ngô, đậu nành, củ cải đường, cà chua, khoai tây, bí, gạo mang gene tổng hợp vitamin A, thuốc lá… Với loại giống mới vốn không hề tồn tại trong tự nhiên này, người ta kỳ vọng có thể tăng năng suất mùa vụ thông qua việc nâng cao khả năng kháng bệnh, kháng côn trùng, chống chịu được hóa chất diệt cỏ…, hoặc nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm.

Tuy nhiên thực tế cho thấy việc sinh vật biến đổi gene mang lại nhiều hệ quả xấu đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Ví dụ phấn hoa từ cây ngô biến đổi gen (ngô Bt – ngô được ghép gen của vi khuẩn Bacilus thuringensis) có thể gây chết loài bướm vua. Bướm vua ăn mật hoa cây bông tai chứ không ăn mật hoa ngô, nhưng do phấn hoa ngô Bt bị gió cuốn sang cây bông tai mọc ở các cánh đồng gần đó, nên bướm vua ăn phải và bị tận diệt. Các chất độc trong ngô Bt còn có khả năng tiêu diệt nhiều ấu trùng của các loài côn trùng khác chứ không chỉ như dự định ban đầu là chỉ diệt sâu đục thân ngô. Điều đó làm giảm lượng côn trùng thụ phấn cho các loài thực vật khác mọc gần khu vực trồng ngô Bt.

Để diệt được cỏ dại, một lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên những cánh đồng cây biến đổi gene, làm hủy hoại môi sinh, phá vỡ cân bằng sinh thái, tăng dư lượng thuốc trong nông sản.

Ngoài ra còn có nhiều phân tích cho thấy việc tiêu thụ các thực phẩm biến đổi gene liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau mà sẽ được nhắc đến trong một số bài viết tiếp theo.

Hiện nay có hơn 30 nước cho phép phát triển cây trồng biến đổi gene, trong đó có Việt Nam. Các tranh luận giữa 2 phái ủng hộ và phản đối vẫn chưa đi đến kết luận nhưng các thực phẩm biến đổi gene thì đã tràn khắp thị trường. Tại Việt Nam, người tiêu dùng còn chưa quen với khái niệm này nhưng thực ra chúng ta đã ăn rất nhiều rồi.

Theo nguồn tin của vietnamnet thì cách đây hơn hai năm TP.HCM từng khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm hàng trăm mẫu bắp, đậu nành, khoai tây, cà chua, gạo lấy ngẫu nhiên tại các chợ, siêu thị và cửa hàng ở TP.HCM. Sau khi kiểm nghiệm và phát hiện có đến 1/3 là sản phẩm GMO, gồm bắp hạt, bắp trái, bột bắp và sản phẩm thực phẩm chế biến từ bắp; hạt giống, nguyên liệu và sản phẩm chế biến từ đậu nành; khoai tây và sản phẩm chế biến từ khoai tây… Tuy nhiên, từ đó đến nay không cơ quan chức năng nào kiểm nghiệm sản phẩm GMO. Dù muốn hay không muốn thì phải thừa nhận rằng người tiêu dùng nước ta đang ăn thực phẩm GMO hằng ngày và đã nhiều năm nay. Việc kiểm soát các giống GMO nhập khẩu vào nước ta lẫn bày bán trên thị trường bỏ ngỏ đã tạo điều kiện cho thực phẩm GMO tràn lan trên thị trường đến từng bữa ăn của người Việt.

Chuyên viên dinh dưỡng