Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thường gặp ở trẻ em. Bệnh có dấu hiệu gần giống với sốt phát ban nên mọi người thường chủ quan. Các chuyên gia cảnh báo, bệnh sởi nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như viêm phổi, viêm não, mù lòa…

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, có tính lây truyền và dễ trở thành dịch bệnh. Bệnh sởi dễ dàng lây từ người nay sang người khác qua đường hô hấp, qua nước bọt của người bị bệnh. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh sởi.

Bệnh sởi có một số biểu hiện gần giống với sốt phát ban nên mọi người thường nhầm lẫn. Dưới đây là một số dấu hiệu phân biệt bếnh sởi và sốt phát bạn mọi người nên lưu ý:

Nguyên nhân

Sốt phát ban là tình trạng nóng sốt và nổi các đốm nhỏ bằng hoặc nhô lên, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và nguyên nhân gây ra do virus herpes 6 hoặc 7. Bệnh lành tính và sẽ khỏi nếu được nghỉ ngơi và uống thuốc đầy đủ.

Đối với bệnh sởi, tác nhân gây bệnh là do virus thuộc giống morbillivirus họ Paramyxoviridae gây nên. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính.

Dấu hiệu

Tăng nguy cơ viêm não, mù lòa do nhầm lẫn bệnh sởi với sốt phát ban
Tăng nguy cơ viêm não, mù lòa do nhầm lẫn bệnh sởi với sốt phát ban

Sốt phát ban

Sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban. Đây là hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da. Ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da trẻ.

Bệnh sởi

Ban xuất hiện ở sau tai, lan khắp mặt, dần xuống ngực bụng và toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da.

Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.

Trẻ mắc sởi thường sốt 38-39 độ C và sốt liên tục. Ngoài ra còn một số triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy…

Biến chứng của bệnh

– Sốt phát ban thường lành tính. Nếu biết cách chăm sóc thì bệnh sẽ tự khỏi sau từ 5 – 7 ngày và không để lại biến chứng nguy hiểm.

– Bệnh sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng như viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, viêm não, viêm loét giác mạc gây mù lòa, suy dinh dưỡng…

Cách phòng và điều trị bệnh sởi

Điều trị

– Hạ sốt: Phương pháp vật lý, thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol).

– An thần.

– Thuốc ho, long đờm

– Kháng histamin: Dimedron, Pipolphen.

– Sát trùng mũi họng: Nhỏ mắt nhỏ mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol…

– Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm và dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, và trẻ suy dinh dưỡng.

– Khi có biến chứng: Viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính nên dùng kháng sinh và corticoid.

Phòng ngừa bệnh

– Đối với trẻ 6 – 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.

– Trẻ em bị mắc bệnh sởi không nên đến trường ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Bệnh nhân sởi ở trong bệnh viện phải được cách ly đường hô hấp từ lúc bắt đầu viêm long cho đến ngày thứ 4.

– Tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt…

– Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị sởi, cần đưa trẻ đi thăm khám và điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ tránh các biến chứng như viêm phổi, viêm não…

– Thường xuyên vệ sinh răng miệng, da, mắt.

– Luôn giữ cho da trẻ sạch sẽ, khô thoáng.

Phương Nam