Nắng nóng gay gắt, không có gì tuyệt vời hơn khi được hòa mình trong dòng nước mát. Tuy nhiên, vi khuẩn trong nước có thể là nguyên nhân gây viêm da, đau mắt, tiêu chảy… mọi người cần hết sức cảnh giác, đặc biệt trẻ nhỏ. 

Tắm ở bể bơi công cộng, cảnh giác 3 bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm
Tắm ở bể bơi công cộng, cảnh giác 3 bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm

Viêm da, phát ban

Theo Health, chất clo trong bể bơi dễ dàng tiêu diệt vi trùng nhưng nước ấm trong bể làm cho clo bị phân hủy nhanh hơn, do đó không có tác dụng diệt khuẩn.

Triệu chứng thường gặp sau khi đi bơi là phát ban đỏ, mẩn ngứa. Vùng da được che bởi đồ tắm có thể gặp tình trạng nghiêm trọng hơn.

Cách phòng tránh: Hạn chế tiếp xúc với nước không đảm bảo vệ sinh trong thời gian dài. Bạn nên tắm lại bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn sau khi bơi. Giặt đồ tắm, phơi khô cho lần sử dụng kế tiếp.

Tắm ở bể bơi công cộng, cảnh giác 3 bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm
Cả người lẫn thú cưng đều “lao” xuống hồ Tây để tránh nóng. (Ảnh: Gia đình Việt NaM)

Đau mắt

Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nước trong bể bơi là “hỗn hợp” của nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, bụi bẩn, mỹ phẩm, tế bào chết… Do đó, chúng là nguyên nhân gây kích ứng, dẫn đến tình trạng đau rát, chảy nước mắt… sau khi bơi.

Cách phòng tránh: Nên sử dụng kính bơi khi đang bơi hoặc lặn. Lựa chọn bể bơi đảm bảo vệ sinh.

Tắm ở bể bơi công cộng, cảnh giác 3 bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm
Bể bơi càng đông nguy cơ nước trong hồ nhiễm khuẩn càng cao.

Tiêu chảy

Ký sinh trùng cryptosporidium của người nhiễm bệnh lẫn trong nước là nguyên nhân gây tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn… Vi khuẩn có thể tồn tại môi trường ngoài khoảng 2 tuần, thậm chí miễn dịch với chất khử trùng. Ký sinh trùng lây lan khi bạn vô tình nuốt phải nước bể bơi đã nhiễm bẩn hoặc chạm tay vào miệng trước khi chưa rửa tay.

Cách phòng tránh: Tắm lại bằng nước sạch với xà phòng, súc miệng và nhỏ nước muối sinh lý để hạn chế lây lan của kí sinh trùng. Tuyệt đối không uống nước hồ bơi.

Khi gặp triệu chứng trên, người dân nên tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nặng nề có thể xảy ra.

Lưu ý đi bơi an toàn

Không nên:

– Tắm tại nơi công cộng nếu bản thân đang mắc các bệnh ngoài da, đau mắt, quai bị, phụ khoa…; không tiểu tiện và khạc nhổ tại bể bơi.

– Không uống nước bể bơi.

– Không đi bơi vào khoảng thời gian từ 11-15h hàng ngày tại các bể bơi ngoài trời, tránh nguy cơ cảm đột ngột.

– Không nên đi bơi tại chốn đông người, nên tránh đi vào các ngày lễ, cuối tuần.

Nên:

– Thực hiện các bài khởi động, tắm tráng để rửa trôi mồ hôi, mỹ phẩm, tế bào chết… trước khi bơi.

– Mang theo kính, bịt lỗ tai, mũ bơi để bảo vệ tóc, mắt, tai khỏi tác động của ánh nắng, hóa chất, vi khuẩn…

– Sau khi bơi, nên tắm lại sẽ bằng nước sạch với xà phòng có tính sát khuẩn cao.

– Dùng nước muối có nồng độ 0,9 % nhỏ mắt, mũi, súc miệng, hạn chế vi khuẩn có hại.

H.H