Người vợ đổ chất tẩy rửa vào chai nước ngọt mà không nói trước khiến chồng vô tình uống phải, dẫn đến cổ họng cháy rát, buồn nôn dữ dội…

Người Lao Động đưa tin, ngày 13/10, bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận bệnh nhân nam N.V.S. (59 tuổi, ở TP. Uông Bí, Quảng Ninh) trong tình trạng đau, bỏng rát miệng và họng, buồn nôn, nôn ra dịch mùi hắc của chất tẩy rửa.

Ông S. kể lại, khi đi làm về, do mệt và chóng mặt, lúc đó thấy chai “nước ngọt” để gần cầu thang, không suy nghĩ nhiều, ông liền uống một mạch để giải khát.

Không ngờ dung dịch trong vỏ chai nước ngọt chính là chất tẩy rửa nhà vệ sinh do trước đó vợ ông đã đổ vào để tiện chùi rửa, nhưng không dặn dò gì cho chồng mình.

Bác sĩ Đỗ Quang Út – Trưởng khoa Nội Tiêu hóa cho biết, chất tẩy rửa mà ông N.V. S. uống có thành phần chủ yếu là Acid Clohydric – một loại acid mạnh, ngay sau khi uống vào đã có thể gây tổn thương nặng ở đường tiêu hóa như: Viêm loét, xuất huyết, hoại tử, thậm chí có thể thủng ống tiêu hóa. Hơn nữa, các tổn thương chít hẹp ống tiêu hóa có thể xảy ra sớm hoặc nhiều năm sau đó”.

Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe của ông S. ổn định và được xuất viện, rất may không có tổn thương nào nghiêm trọng.

Bác sĩ Út cũng khuyến cáo thêm, không nên đựng các loại dung dịch tẩy rửa và hóa chất trong những chai đựng đồ uống thông thường, gây nguy hiểm cho người khác. Nếu có dùng, cần phải ghi tên hoặc cảnh báo rõ ràng, xa tầm tay trẻ em để tránh gây nhầm lẫn đau lòng.

Trước đó, báo Vietnamnet cũng đưa tin một trường hợp tương tự xảy ra tại Đà Nẵng, một nam thanh niên 9x bị bỏng thực quản vì uống nhầm chất tẩy rửa.

Thực quản nam bệnh nhân bị bỏng làm hẹp, cản trở lưu thông (ảnh: Vietnamnet).

Cụ thể, ngày 24/8, anh T.V.N (sinh năm 1999, Đà Nẵng) đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng nuốt khó, nuốt nghẹn, đặc biệt là các thức ăn cứng. Qua kết quả nội soi cho thấy, anh N. bị hẹp khít thực quản đoạn cổ, kéo dài một đoạn khoảng 20 mm.

Anh N. kể lại, trước đấy khoảng 4 tháng anh chẳng may uống nhầm chất tẩy rửa nhưng sau đó đã điều trị, tuy nhiên cổ họng vẫn bị đau nhức và khó nuốt thức ăn.

Các bác sĩ cho rằng, chính hóa chất kia đã gây bỏng thực quản của anh và một thời gian sau đã hình thành sẹo làm hẹp dần lòng thực quản, cản trở lưu thông thức ăn dẫn đến khó nuốt. Nếu càng để lâu, sẽ khiến bệnh nhân hoàn toàn không thể nuốt và uống.

Khi được khám xong, anh N. được trị nội soi nong hẹp thực quản bằng bóng trong 60 phút và thành công. Sau đó bệnh nhân đã nuốt được bình thường.