Nắng nóng là môi trường thích hợp để vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi, trong đó có viêm não Nhật Bản. Do triệu chứng bệnh tương tự sốt phát ban, sởi, viêm đường hô hấp… nhiều phụ huynh thường chủ quan không đưa con đi khám. Đến khi bệnh phát triển nặng, đã qua giai đoạn “vàng” điều trị, trẻ có nhiều nguy cơ biến chứng.

Sốt cao, ngủ li bì: Dấu hiệu trẻ mắc viêm não Nhật Bản, cha mẹ chớ nên chủ quan
Viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao nhưng nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan. (Ảnh: Vietnamnet)

Bác sĩ Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu (bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, mới đầu hè nhưng mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 4-5 ca viêm não.

Phụ huynh cháu T.V.H. (4 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ với Khám Phá, ban đầu cháu H. có biểu hiện sốt, lòng bàn tay, bàn chân nóng ran, sau đó mắt lờ đờ và dần lả đi. Bác sĩ ở bệnh viện địa phương chẩn đoán bé H. bị sốt virus. Sau 1 tuần điều trị không khỏi, gia đình đưa bé ra Bệnh viện Nhi Trung ương khám và nhập viện điều trị vì bé mắc viêm não.

Bệnh nhân Đ.Q.A. (10 tuổi, Bắc Giang) nhập viện hôm 15/5 trong tình trạng sốt cao trên 40 độ C, mất ý thức… Trước đó 10 ngày, mẹ cháu Q.A thấy con có biểu hiện sốt, mệt mỏi, nghĩ bé viêm họng thông thường, gia đình tự mua thuốc về sử dụng.

Uống thuốc được 3 ngày, bệnh tình cháu Q.A. không đỡ, còn rơi vào hôn mê, lên cơn co giật, nôn nhiều. Lúc này gia đình mới đưa con đến bệnh viện huyện và được điều chuyển xuống bệnh viện Nhi.

Sau gần 1 tuần điều trị, hiện sức khỏe cháu Q.A. đã có tiến triển, nhưng nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động vẫn luôn “rình rập”.

Sốt cao, ngủ li bì: Dấu hiệu trẻ mắc viêm não Nhật Bản, cha mẹ chớ nên chủ quan
Sốt cao, ngủ li bì: Dấu hiệu trẻ mắc viêm não Nhật Bản, cha mẹ chớ nên chủ quan

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản thường từ lợn, dơi, chim hoang dã… Bệnh có xu hướng tăng khi thời tiết nắng nóng, từ tháng 3-8 hằng năm.

Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số ca mắc) trong đó, đa số trẻ từ 1-5 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh (nếu chưa có miễn dịch). Viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong khá cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề.

Một số dấu hiệu khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản

– Khó quay đầu, không thể duỗi thẳng chân: Triệu chứng viêm màng não ở trẻ điển hình nhất là cứng cơ dẫn đến việc khó quay đầu, duỗi thẳng chân.

– Đau bụng, buồn nôn: Người bị viêm não thường mất cảm giác thèm ăn, buồn nôn (hoặc nôn) liên tục, có thể kèm theo đau bụng.

– Sốt đột ngột: Sốt đột ngột là triệu chứng thường gặp ở trẻ viêm màng não. Cơ thể trẻ run rẩy và luôn cảm thấy lạnh. Nhiệt độ cơ thể trẻ tăng lên rất nhanh và khó hạ xuống.

– Đau đầu, rối loạn ý thức: Trẻ có thể trong trạng thái dễ bị kích động, ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê, gây buồn ngủ hoặc cảm giác buồn ngủ mọi lúc.

– Phát ban, nổi mề đay: Trẻ bị viêm màng não cũng dễ bị phát ban, nổi mề đay.

Khi trẻ có biểu hiện bệnh, cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này.

Lưu ý để phòng bệnh cho trẻ

– Chú ý vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay nhiều lần trong ngày dưới vòi nước bằng xà phòng diệt khuẩn để đảm bảo an toàn.

– Vệ sinh môi trường sống, diệt bọ gậy, ngủ màn để tránh muỗi.

– Ăn chín, uống sôi, thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh.

– Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc-xin cho trẻ. Cụ thể, mũi đầu tiên lúc trẻ được một tuổi; mũi hai sau mũi một từ 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

– Khi trẻ có biểu hiện bất thường như sốt cao, ho, phát ban… bố mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

H.H