Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, Tp.HCM, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 40 trẻ nhập viện do bị thủy đậu, trong đó có nhiều trẻ sơ sinh.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, năm 2017, đỉnh dịch thủy đậu rơi vào tháng 3 với 8.000 ca mắc bệnh, các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca. Các chuyên gia dự báo, năm 2018 nếu không có biện pháp phòng và trị bệnh, dịch thủy đậu sẽ còn gia tăng mạnh hơn.

Số lượng trẻ nhập viện do mắc thủy đậu ngày càng gia tăng
(ảnh: Lao Động).

Dù mới vào mùa, nhưng số trẻ mắc bệnh thủy đậu đã gia tăng nhanh chóng, trong đó số lượng trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cũng tăng hơn so với cùng kỳ.

Theo TTXVN, từ đầu năm đến nay bệnh viện Nhi Đồng 1, Tp.HCM đã tiếp nhận nhiều ca mắc thủy đậu. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ.

Vừa sinh xong được 9 ngày, chị P. N. D bị mắc bệnh thủy đậu và lây sang cho đứa con mới sinh. Chị D. chia sẻ: “Tôi bị lây bệnh từ các cháu trong nhà, sau đó lây sang cho con mới được 20 ngày. Nay bé nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng được 1 tuần rồi”, theo TTXVN.

Số ca nhập viện do thủy đậu tại bệnh viện Nhi Đồng 1, Tp.HCM đang ngày một gia tăng. Chỉ riêng ngày 6/3, khoa Nhiễm – Thần kinh của bệnh viện đang điều trị cho 7 trẻ, trong đó có 3 trẻ chưa đến một tháng tuổi.

Trước đó, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, Hà Nam cho biết, trên địa bàn đã ghi nhận ổ dịch thủy đậu tại Trường tiểu học xã Đức Lý với 25 trường hợp mắc bệnh, theo Lao Động.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh thủy đậu bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài đến tháng 3, 5. Sang tháng 6, số ca mắc bệnh ít lại.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ, trong điều kiện thời tiết đông – xuân có độ ẩm cao thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, số ca mắc bệnh truyền nhiễm như thủy đậu sẽ gia tăng mạnh.

“Căn bệnh thủy đậu thường có xu hướng phát triển vào mùa xuân, biểu hiện bệnh phần lớn là nhẹ nên vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mới có vắc xin dịch vụ, độ phủ không cao nên miễn dịch công cộng không nhiều, số người mắc bệnh hàng năm khá lớn.

Trong năm 2018, nếu không có biện pháp phòng ngừa thì nguy cơ dịch thủy đậu bùng phát trên cả nước hoàn toàn có thể xảy ra” – PGS.TS Trần Đắc Phu trao đổi với VTC.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, lây truyền qua đường hô hấp trong lúc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Bệnh cũng có thể lây lan gián tiếp cho người khác thông qua dịch tiết còn sót lại trên các đồ vật sử dụng hàng ngày.

Thủy đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó, trẻ em từ 2-8 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất. Đối với người lớn, tỉ lệ này ít hơn nhưng vẫn có nhiều ca mắc bệnh do không được tiêm phòng đầy đủ.

Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ vỡ, khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu bị nhiễm trùng thì có thể có dịch mủ đục sau đó để lại sẹo.

Tuy nhiên, bệnh cũng gây các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi, v.v… Những trẻ đang bị bệnh, mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc dùng corticoid kéo dài, trẻ nhỏ dưới 6 tháng và các trường hợp khác dễ diễn biến bệnh nặng và biến chứng.

Trường hợp phụ nữ có thai bị thủy đậu sẽ tiềm ẩn khả năng biến chứng cao, bệnh nặng hơn nhiều lần so với trẻ em. Nguy hiểm hơn, người mẹ có thể bị sảy thai, hoặc lây bệnh cho thai nhi thông qua nhau thai, sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Phương Nam