Tổ chức Y tế thế giới cho biết khu vực Mỹ Latinh đã trở thành tâm dịch COVID-19 mới của thế giới khi số ca nhiễm và tử vong ở đây tăng vọt. Brazil bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng tổng thống nước này vẫn rất “thờ ơ”.

Theo tờ Reuters, Giám đốc điều hành, đồng thời là người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan phát biểu tại buổi họp báo thường nhật ngày 22/5 của WHO tại trụ sở ở Geneva – Thụy Sĩ: “Nam Mỹ đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch. Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều quốc gia Nam Mỹ với số ca nhiễm gia tăng mỗi ngày. Sự lo lắng đang tràn qua các nước này nhưng ở thời điểm này, Brazil đang là nước bị tác động lớn nhất”.

Theo Hãng tin AFP, tuần này Brazil trở thành điểm nóng mới nhất của đại dịch COVID-19 khi số người chết vì corona ở đây đã vượt qua 20.000 ca, đứng thứ 6 thế giới về số ca tử vong.

Với tổng số 330.890 ca bệnh COVID-19, quốc gia lớn tại khu vực Mỹ Latinh này đang là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ là nước đang đứng đầu về số ca bệnh (1.644.848) cũng như số người chết (23.951).

Thậm chí, nhiều chuyên gia cảnh báo con số thực tế cả về số ca nhiễm và số người chết có thể sẽ còn cao hơn thống kê do hệ thống xét nghiệm tại Brazil được đánh giá là chậm trễ và kém hiệu quả.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Nhiều thống đốc bang ở Brazil buộc phải ban hành các hạn chế đi lại tại địa phương mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro, người nhiều lần khẳng định COVID-19 chỉ là bệnh cúm thông thường, vẫn tiếp tục kêu gọi người dân đi làm như bình thường trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo số liệu cập nhật thời gian thực của trang Worldometers về dịch bệnh COVID-19, tới 7h sáng nay 23/5, tổng số ca bệnh toàn cầu đã suýt soát 5,3 triệu, số người chết là 339.413 trong khi hơn 2,15 triệu người bệnh đã bình phục.

Tại Việt Nam, theo Bản tin chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tới nay 23/5, Việt Nam đã trải qua 37 ngày (từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 23/5) không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.