Bệnh tay chân miệng đang có có dấu hiệu gia tăng nhanh tại Hà Nội. Từ 6-22/4, số ca mắc tay chân miệng đã tăng vọt lên 76 trường hợp. 

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trao đổi với An Ninh Thủ Đô, trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 76 trường hợp bị bệnh tay chân miệng.

Trung bình từ đầu năm đến 8/4, mỗi tuần, Hà Nội ghi nhận khoảng 25 ca mắc chân tay miệng. Từ 9-14/4, số ca mắc bệnh đã tăng gấp đôi, lên 56 trường hợp. Riêng tuần từ 16-22/4, số ca mắc tay chân miệng tiếp tục tăng gần gấp rưỡi. Như vậy, tính từ đầu năm 2018 đến nay, tổng số ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội đã lên 234 trường hợp.

Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi, nguy cơ bùng phát dịch
Mùa hè là thời điểm dịch bệnh chân tay miệng bùng phát. (Ảnh: Vietnammoi)

Ngoài chân tay miệng, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 5 trường hợp bị sốt xuất huyết dengue, 15 trường hợp sốt phát ban (2 ca dương tính với sởi), 1 ca mắc ho gà, 2 ca mắc não mô cầu…

Trước thực trạng nhiều dịch bệnh bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh, khoanh vùng, xử lý không để dịch lan rộng.

Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi, nguy cơ bùng phát dịch
Ảnh minh họa.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ…

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là các vết loét miệng lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông kèm theo sốt và đau họng.

Hiện, bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng bệnh tay chân miệng, mọi người cần chú ý vệ sinh cá nhân, môi trường sống, ăn chín uống sôi…

6 dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng

– Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt, gia đình cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện.

– Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Bố mẹ nên quan sát khi trẻ đang chơi để kiểm tra tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

– Khó thở: Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị suy tim, rối loạn huyết động… Trẻ thường thở nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng….

– Rối loạn ý thức: Biểu hiện của viêm não, huyết áp thấp… Gia đình cần phát hiện sớm từ khi trẻ có triệu chứng ngủ gà, chậm chạp.

– Tiểu ít: Nếu trẻ tiểu càng ngày càng ít đi, đó có thể là dấu hiệu của bệnh loạn huyết động, tụt huyết áp, suy thận…

H.H