Ngày 11/11, Bệnh viện Nhi đồng 1 thông báo về trường hợp một trẻ sơ sinh tử vong, 10 giờ sau khi được “sinh rớt” tại nhà. Điều đáng nói là khi tới bệnh viện, dây rốn của bé chưa được cắt, bánh nhau được vùi trong thau muối và tro, đây chính là dấu hiệu của giải pháp “sinh thuận tự nhiên” – trào lưu nguy hiểm đang nổi lên trong xã hội hiện nay.

Người nhà khai bé được “sinh rớt” tại nhà, họ đã tự xé bọc ối ra, bé khóc yếu, không bú. Gần 10 giờ sau khi được sinh ra, bé ngày càng yếu, tím tái, tay chân lạnh nên người nhà đưa cháu lên Bệnh việnNhi đồng 1. Nhưng do đưa đi cấp cứu quá muộn, bé đã ngưng tim, ngưng thở. Bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc do nhiễm trùng huyết.

Xử trí khi sinh rớt

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (chuyên gia về hồi sức – cấp cứu nhi), đã chia sẻ với PV Thanh Niên những kỹ năng sơ cấp cứu bệnh nhi nếu sinh rớt. Theo đó, thao tác đầu tiên khi trẻ ra đời là phải kẹp dây rốn. Nếu không có kẹp thì dùng bất cứ dây gì có thể kẹp để tránh hiện tượng máu chảy ngược về bánh nhau khiến em bé sốc, mất máu. Lưu ý lót vải bên trong khi kẹp để tránh xây xát dây rốn. Nếu được, có dụng cụ cắt dây rốn thì càng tốt. Thứ đến là giữ ấm cho em bé bằng khăn, chăn mền, tránh để bé bị lạnh và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý đúng.

Trào lưu sinh thuận theo tự nhiên?

Câu chuyện thương tâm này làm người ta liên tưởng tới trào lưu sinh con tự nhiên ở nhà đang nổi lên hiện nay. Trong đó trẻ được sinh thường tại nhà, bé được lau sạch máu và mẹ ôm bé áp da, cho bé bú, để nhau tự ra khỏi tử cung, sau đó nhau được vùi vào muối nóng, để dây rốn tự rụng.

Giải pháp có tên gọi là “sinh thuận tự nhiên” này cực kỳ nguy hiểm, nếu sau khi sinh không cắt dây rốn, máu từ thân thể bé sơ sinh có thể chảy ngược vào bánh nhau, dẫn đến sốc mất máu. Khi vùi bánh nhau vào cát và tro, vi khuẩn có thể từ đó đi vào mạch máu của trẻ qua dây rốn, khiến bé bị nhiễm trùng huyết và tử vong nhanh chóng. Hơn nữa, những em bé vừa sinh ra rất yếu, cần được theo dõi sát và hỗ trợ y tế bởi các chuyên gia có kinh nghiệm để can thiệp kịp thời.

Ảnh minh họa (nguồn: soha).

Bệnh viện Từ Dũ khuyến cáo

Năm 2018, bệnh viện Từ Dũ cũng đã tổ chức họp báo phản đối trào lưu sinh con “thuận theo tự nhiên”, trong đó có ghi:

“Kỹ thuật chậm cắt dây rốn được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo và Bộ Y tế Việt Nam chủ trương áp dụng, vì những lợi ích mà liệu pháp chậm kẹp cắt dây rốn mang lại cho trẻ sơ sinh. Các lợi ích của chậm kẹp cắt dây rốn đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học lớn và có giá trị. Điều này không đồng nghĩa với việc không cắt dây rốn, để dây rốn và bánh nhau đang phân hủy tự nhiên gắn liền với trẻ sơ sinh sẽ dẫn đến những nguy cơ lớn, trong khi đó, lợi ích của giải pháp này vẫn chưa được chứng minh”.

Thông thường, khi bé được sinh ra, bác sĩ sẽ chờ khoảng 1-3 phút, tối đa 5 phút để dây rốn ngừng đập, lúc đó mới kẹp dây rốn và cắt. Việc này có nhiều lợi ích, nhưng cũng có nhiều nguy cơ, nên phải thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Trong nhiều tình huống trẻ sặc nước ối, không khóc, tím tái… thì phải ưu tiên cắt dây rốn nhanh để hồi sức cho bé. Chưa kể ca sinh nếu không thuận lợi, phần phụ của sản phụ bị tổn thương quá nhiều, cần phải cắt dây rốn sớm để xổ nhau, giúp sản phụ cầm máu, tránh tử vong do băng huyết sau sinh.

Hi vọng đây sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định đặt tính mạng người mẹ và trẻ sơ sinh vào tình huống nguy hiểm, a dua thiếu hiểu biết theo trào lưu “sinh con thuận tự nhiên”.