Cây na rừng có rất nhiều tác dụng trong việc bồi bổ cơ thể và chữa bệnh. Rễ cây, thân cây và quả của cây na rừng đều có tác dụng chữa bệnh.

Na rừng có tên gọi khác: Nắm cơm, Na dây; Xưn xe, Ngũ vị tử nam; Có tên khoa học là: Kadsura Coccinea (Lem.)

Có giá trị kinh tế cao nên loại cây này đang bị săn lùng ráo riết đến mức báo động

Không chỉ bổ dưỡng, na rừng còn có tác dụng chữa bệnh (Ảnh: 24h)

Thời gian gần đây, na rừng được nhiều người săn lùng về làm thuốc, chữa bệnh. Loại quả này còn có tên gọi khác là quả chí chuôn chua, xưn xe… mọc chủ yếu trong những cánh rừng sâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên…

Anh Hoàng Thành Tâm, một đầu mối thu mua na rừng ở Lạng Sơn cho biết, có hai loại là na trắng và na đỏ. Na trắng khi chín có màu vàng nhạt hoặc khe múi hơi đỏ, trong khi na đỏ toàn thân màu đỏ tươi, mùi nhựa thơm rất đặc trưng. Trên thị trường na trắng có giá rẻ hơn do ít có giá trị về dược liệu. Loại quả này không ra quanh năm mà chỉ bắt đầu mùa từ tháng 4 đến hết tháng 10 hàng năm.

Một quả na có thể nặng tới gần 4kg (Ảnh: ĐKN)

Do có giá trị cao về dược liệu nên na rừng được rất nhiều thương lái tìm mua và trả giá cao. Một quả na đỏ có trọng lượng lớn chín tại cây có giá vào khoảng 500 nghìn đồng/kg, trung bình một quả nặng từ 600 – 1kg, cá biệt những quả na to có thể nặng lên tới 3 – 4 kg/ quả có giá vài triệu đồng/ quả. Tuy nhiên, hiện nay những quả na to, chín cây rất hiếm, không nhiều.

“Na rừng không chỉ được các thương lái trong nước săn lùng mà nhiều người Trung Quốc cũng rất ưa chuộng. Ở Trung Quốc người ta gọi quả này là bufuna nghĩa là quả trường thọ. Quả ăn có vị ngọt nhẹ, cắn thêm một phần vỏ múi mềm sẽ có vị thơm đặc trưng của quả. Đặc biệt quả có thể để chín ăn tươi ngay, ngâm rượu hoặc ủ rượu vang đều rất tốt”, anh Tâm nói.

Theo thương lái này hiện nay diện tích na rừng ngày càng bị thu hẹp khi người dân khai thác cả rễ, thân về bán làm dược liệu.

“Mỗi mùa vụ, tôi gom của các tiểu thương, bà con dân tộc cũng chỉ được trên dưới 1 tạ na rừng. Thời điểm này đang là cuối vụ, na khan hiếm và giá bán cũng cao hơn, nếu muốn mua phải đặt trước mới có hàng”, anh Tâm cho biết.

Tác dụng dược liệu của loại quả “món quà của rừng”

Vì trở có giá trị kinh tế cao nên bị săn lùng và trở thành quý hiếm (Ảnh: VOV)

TS Vũ Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, cho biết: “Đây là loại cây thân leo, lá hình bầu dục thường mọc trong rừng sâu và có độ phủ tán trên 40%, ở độ cao từ 150 – 1200m so với mặt nước biển. Quả na rừng khi chín rất thơm và sóc rất hay tìm để ăn. Đây cũng là một trong 3 vị thuốc trong bài thuốc “Tứn khửn”, bài thuốc chữa yếu sinh lý nổi tiếng của đồng bào dân tộc Sơn La. Ngoài ra, rễ thân cây na rừng cũng có giá trị rất lớn trong Đông Y. Tuy nhiên, hiện nay do giá trị kinh tế cao nên loại cây này đang bị săn lùng ráo riết đến mức báo động”.

Tại Việt Nam chưa có tài liệu nào nghiên cứu đầy đủ về cây Na rừng. Tuy nhiên, ở Trung Quốc đã nghiên cứu và viết thành sách hướng dân cách dùng cây Na rừng. Tại huyện Yên Thế – Bắc Giang các lương y và các đồng bào dân tộc trên huyện Yên Thế hay dùng làm thuốc thang chữa phong thấp hoặc chứng ăn uống kém ở phụ nữ sau khi sinh đẻ chống hậu sản.

Không chỉ quả na, rễ và thân cũng có tác dụng dược lý (Ảnh: VOV)

Ngoài ra, quả na rừng đem ngâm rượu có thể trở thành bài thuốc bổ dương rất hiệu quả, mà người Mông hay gọi là rượu Tứn khửn – “thần dược phòng the”.

Theo kinh nghiệm dân gian, rễ cây na rừng được thu hái quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng dần. Rễ dùng trị viêm ruột mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm loét dạ dày và hành tá tràng; Phong thấp đau xương; Đau bụng trước khi hành kinh, hậu sản… Liều dùng, sắc 15-30g rễ khô lấy nước uống.

Hoàng Kỳ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.