Khi thời tiết thay đổi trái thường, cơ thể không thể thích nghi kịp, tà khí (phong, hàn) sẽ thừa cơ xâm nhập vào cơ thể mà sinh ra bệnh. Đây cũng là lúc các phương pháp dân gian cổ truyền phát huy tác dụng.

Phong, hàn là hai thứ trong lục khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả. Phong là gió, chủ khí về mùa xuân; hàn là lạnh, chủ khí về mùa đông. Khi thời tiết bốn mùa ôn hoà đúng quy luật, mùa xuân ấm, mùa hè nóng, mùa thu mát, mùa đông lạnh cơ thể sẽ khoẻ mạnh.

Cảm mạo phong hàn là cơ thể cảm nhiễm phải tà khí phong hàn. Trương Cảnh Nhạc cho là bệnh thương phong gốc là ngoại cảm, nếu tà nặng vào sâu ở kinh lạc là bệnh thương hàn, nếu tà nhẹ mà ở nông chỉ phạm da lông là bệnh thương phong. Du Căn Sơ cũng cho là cảm hàn là bệnh nhỏ chỉ ở da lông không vào kinh lạc.

Cảm mạo phong hàn xâm phạm vào da, phế làm mất công năng tuyên giáng của phế, kèm thêm vệ khí bị trở ngại phát sinh ra các chứng: ho, sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, ngạt mũi, mạch phù khẩn.

Khi cơ thể có biển hiện: Sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh nhiều, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi, người đau ê ẩm thì có thể dùng các phương pháp như:

Nấu nước xông

Xông hơi giúp đẩy khí hàn (lạnh) ra khỏi cơ thể. (Ảnh: lairons.ru)

Có thể chọn nguyên liệu theo tác dụng như:

– Lá có tinh dầu, diệt khuẩn đường hô hấp: lá chanh, bưởi, tía tô, kinh giới, sả, bạc hà, hương nhu…

– Lá có tác dụng kháng sinh: hành, tỏi …

– Lá có tác dụng hạ sốt: lá tre, lá duối …

Chọn dùng lá tươi từ các nguyên liệu trên, mỗi thứ 1 nắm cho vào nồi, đổ nước ngập trên thuốc khoảng 2cm, lấy giấy dầy hay lá chuối bịt trên miệng nồi và đậy nắp lại. Đun sôi 1–3 phút rồi bắc xuống để gần người bệnh. Trùm chăn cho kín, người bệnh ngồi mở nắp vung bỏ ra ngoài, lấy đũa cả chọc thủng 1 lỗ giấy (lá) bịt miệng nồi để hơi nước nóng và các hương tinh dầu toả ra mặt và thân.

Vừa xông vừa ngoáy nồi xông, vừa thở đều chậm, khoảng 10 phút. Người bệnh sẽ ra mồ hôi, người nhẹ nhõm. Lau khô người, thay quần áo và bỏ chăn. Chú ý tránh gió.

Cháo giải cảm

Hành, gừng để phát hãn giải biểu, cháo nóng để giúp hành gừng và bổ chính khí. (Ảnh: alan.vn)

Nguyên liệu: Hành tăm cả rễ 20g, gừng tươi 10g, gạo nếp 50g để nấu cháo loãng.

Cách làm: Hành thái nhỏ, gừng thái tăm hay giã nát cho vào bát. Khi cháo được, múc cháo đang sôi cho vào bát quấy đều, ăn lúc nóng, trùm chăn cho ra mồ hôi. Nếu đã ra mồ hôi thì không dùng bài thuốc này.

Những bài thuốc dân gian

– Lá tía tô (tô diệp) 8-10g, quế chi 6-8g, gừng tươi 3 lát. Ba thứ rửa sạch, nấu với 300ml nước, sôi khoảng 10 phút. Uống một lần, uống nóng cho ra mồ hôi.

– Lá tía tô 8-10g, hương phụ (củ cỏ gấu) 6g, trần bì 4-6g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống như trên.

– Hành tăm 10-12g, trần bì 6-8g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống như trên.

– Lá húng chanh (tần dày lá) 12g, lá tía tô 12g, kinh giới 10g, trần bì 6g, sả 6g, gừng 3 lát. Nấu với 750ml nước, sắc còn 400ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống ấm cho ra mồ hôi.

– Lá tía tô 10g, hương phụ (cỏ gấu) 8g, trần bì 6g, ngải cứu 6g, lá ngũ trảo 6g, quế chi 6g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống như trên.

Cao Sơn

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.