Mới đây, bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, đã tiếp nhận 4 học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đắk Tô nhập viện trong tình trạng đau họng, ho khan, sốt nhẹ, họng có giả mạc…

Bác sĩ Ngô Đây, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum trao đổi với VOV, kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cả 4 học sinh đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu, ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng xử lý môi trường để dập dịch, tiêm vắc-xin, cấp thuốc phòng bệnh bạch hầu cho trên 300 học sinh của trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng áp dụng các biện pháp cách ly, theo dõi ngăn ngừa bệnh cho học sinh.

Bác sĩ Ngô Đây cho biết thêm, hiện Khoa đang điều trị cho 10 bệnh nhân, trong đó 7 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Tuy nhiên, do chưa có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu nên số ca mắc bệnh ngày một tăng.

Tháng 10 vừa qua, bệnh bạch hầu đã bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh Kon Tum và đã có 2 trường hợp tử vong. Trước đó, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân mắc bạch hầu. Dấu hiệu bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu (vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae) gây nên. Bất cứ ai chưa có miễn dịch, chưa tiếp xúc với mầm bệnh, chưa tiêm phòng đủ hoặc đã tiêm nhưng không sinh miễn dịch… đều có thể mắc bệnh.

Bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hay người lành mang vi khuẩn khi ho, hắt hơi.

Khi mắc bệnh bạch hầu, người bệnh thường có biểu hiện:

– Sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng dẫn tới chán ăn.

– Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi.

– Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực.

Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Lúc này, màng giả có thể có màu xám hoặc đen.

(Tổng hợp)