Mang thai đối với người phụ nữ có thể được coi là một hành trình gian nan nhưng cũng đầy hạnh phúc. Lần đầu có bầu, người mẹ có thể gặp những cú sốc do sự thay đổi về tâm – sinh lý. Vì vậy, để chuẩn bị tốt nhất cho thời gian thai kỳ, các mẹ nên biết những chuyển biến của bản thân để có tinh thần vững chắc nhất, là chỗ dựa cho đứa con của mình.

1.Thay đổi giọng nói

Đây là sự thay đổi mà đa số người mẹ mang thai có thể gặp phải, điều này là do sự thay đổi hormon nội tiết là estrogen và progesterone. Hai hormon này không chỉ ảnh hưởng tới giọng nói mà còn ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận của cơ thể người phụ nữ.

Phụ nữ mang thai có thể có giọng nói trầm hơn. (Ảnh: pixabay)

Những thay đổi tại phổi và khả năng kiểm soát cơ có thể khiến sưng dây thanh quản. Điều đó có nghĩa là phụ nữ mang thai có thể có giọng nói trầm hơn. Những thay đổi trong thời kỳ mang thai cũng có nghĩa là các mạch máu mỏng manh và có khả năng bị rách. Từ các biến đổi này, những phụ nữ hay hát nên tránh hát những bài cần lên nhiều nốt cao.

2. Xương giòn hơn

Cơ thể của bạn phải chuẩn bị cho việc sinh nở bằng cách giải phóng hormone ‘relaxin’. Sự bài tiết hormone này kích thích xương chậu tách ra, để cơ tử cung dễ dàng mở rộng và giãn cơ sụn giữ cho xương gắn kết với nhau. Quá trình này là cách cơ thể sắp chuẩn bị cho việc sinh thường. Nhược điểm là hormon này cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác trong cơ thể và là một trong những lý do tại sao phụ nữ mang thai bị đau khớp và đau lưng.

3.Trí nhớ kém

Phụ nữ đang mang thai thường giảm trí nhớ. (Ảnh: pixabay)

Thực tế cho thấy rất nhiều phụ nữ thường hay giảm trí nhớ trong và cả sau thời gian thai kỳ. Điều này được lý giải do những ưu tiên khác khi mang thai, gia tăng hormon giới tính gây nên.

4. Rạn ngứa da

Hầu hết phụ nữ mang thai đều gặp tình trạng này bởi da vùng bụng ngực bị kéo căng để tạo khoảng trống cho thai nhi phát triển. Tuy nhiên, một số thay đổi khác của cơ thể khi mang thai cũng dẫn tới tình trạng ngứa ngáy, mẩn đỏ ở da.

Chú ý, trường hợp ngứa và mẩn đỏ kéo dài, không kiểm soát được thì bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra.

5. Chân tay sưng phù

Chân tay phụ nữ mang thai thường có dấu hiệu xuống máu và phù tích nước ở giai đoạn cuối. Điều này một phần là do hiên tượng giữ nước của cơ thể, một phần là do hormone progesterone tăng nhiều khiến làm chậm quá trình tiêu hóa để đảm bảo chất dinh dưỡng được tích ra nhiều nhất cho bé khiến cơ thể dư thừa chất lỏng.

6. Lông mọc rậm rạp

Đây là hiện tượng khá bình thường mà phụ nữ mang thai gặp phải. Đây là do sự tăng tiết hormon nam từ buồng trứng và nhau thai khiến cho lông ở một số bộ phận như mặt, ngực, bụng và cánh tay mọc nhiều hơn. Ngoài ra tóc trên đầu cũng dày hơn và mọc nhanh hơn, óng mượt hơn..

7. Chảy nước mũi

Phụ nữ mang thai thường bị tăng lượng chất nhầy trong mũi. (Ảnh: phunutoday.vn)

Mức độ estrogen cao sẽ làm tăng chất nhầy bên trong mũi. Do đó, khoảng 1/5 phụ nữ sẽ bị nghẹt, ngứa mũi hoặc hắt hơi. Vì vậy, nếu bạn mang thai, hãy chắc chắn rằng luôn có khăn giấy bên mình.

8. Ra nhiều mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi là một trong những triệu chứng mang thai phổ biến nhất. Sự gia tăng lưu lượng máu và sự trao đổi chất trong thai kỳ khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn. Mặc dù cơ thể có thể không hoạt động về mặt thể chất, nhưng nó đang nỗ lực để tạo ra một cuộc sống mới.

Minh Nguyên