Tăng huyết áp là một trong những bệnh có tốc độ gia tăng và gây tử vong nhiều nhất. Ước tính có tới 30% dân số bị tăng huyết áp và đa phần là không rõ nguyên nhân. Vì vậy, việc phổ biến những kiến thức đúng về tăng huyết áp là hết sức cần thiết trong việc kiểm soát huyết áp cũng như làm giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra. Bài viết dưới đây là một số những quan niệm sai lầm về tăng huyết áp mà người bệnh cần điều chỉnh.

Tăng huyết áp ở người già là chuyện bình thường, không cần điều trị

Trước đây, người ta cho rằng tăng huyết áp (THA) ở người già là bình thường và chỉ cần can thiệp khi huyết áp đã tăng rất cao, thậm chí không cần điều trị gì. Hiện nay, THA áp ở người già được coi là bệnh lý như bất cứ một bệnh nào khác ở mọi lứa tuổi, chứ không phải là một tình trạng của tuổi tác. Những người huyết áp càng cao, nguy cơ đột quỵ càng lớn và có thể bị nhiều các biến chứng nặng nề, do đó THA ở người cao tuổi cần phải được theo dõi, điều trị tốt như ở người trẻ.

Trẻ em và thanh niên không bị tăng huyết áp

THA hay gặp ở người già nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hiện nay, THA đang có xu hướng trẻ hóa do có nhiều yếu tố nguy cơ ở nhóm đối tượng này như: nghiện rượu, thuốc lá, béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng axit uric máu, ăn mặn (lượng muối ăn trên 5g/ngày), lười vận động, môi trường làm việc căng thẳng, nhiều stress…

Phần lớn các trường hợp THA ở người từ 45 tuổi trở lên là THA vô căn trong khi THA xuất hiện ở người trẻ hơn thường có nguyên nhân rõ ràng như hẹp động mạch thận, suy thận, u tủy thượng thận…

Ảnh: webtretho.com

Người bình thường không cần kiểm tra huyết áp

THA thường tiến triển từ từ, thầm lặng mà không có biểu hiện gì đặc biệt hoặc nếu có cũng nhẹ và thoáng qua. THA thường được phát hiện khi người bệnh đã bị các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận… hoặc qua khám sức khỏe định kỳ.

Phụ nữ ít bị tăng huyết áp hơn nam giới

Cả phụ nữ và nam giới đều có nguy cơ mắc bệnh THA. Tại Ấn Độ, có 23,1% nam giới và 22,6% nữ giới trên 25 tuổi bị THA. Tuy nhiên, THA là bệnh thường gặp ở nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ mãn kinh.

Kết luận tăng huyết áp chỉ sau một lần đo huyết áp

Đo huyết áp là phương pháp duy nhất để biết bạn có bị THA hay không. Thông thường, chỉ số huyết áp thường tăng giảm hàng ngày theo chu kỳ sinh học. Huyết áp cũng tăng lên khi bạn lo lắng, kích động hoặc vận động mạnh. Do đó, nếu thấy HA cao, nên đo lại 3 đợt (mỗi đợt cách nhau một tháng). Mỗi đợt nên đo 2-3 lần, lấy trị số trung bình. Chỉ sau 3 đợt đo mà trị số trung bình của HA đều trên 140/90 mmHg mới xác định là bị THA

Ảnh: youtube.com

Tăng huyết áp không gây nhiều nguy hiểm

THA thường không gây ra nhiều triệu chứng khó chịu nên người bệnh thường chủ quan. Tuy nhiên, THA là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh lý tim mạch, gây đau tim, suy tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch, bệnh thận mạn tính… nếu huyết áp tăng cao trong thời gian dài.

Không thể ngăn ngừa tăng huyết áp nếu tôi có nguy cơ cao

Ngay cả khi tất cả thành viên trong gia đình bạn bị tăng huyết áp thì bạn vẫn có thể phòng ngừa bệnh tăng huyết áp bằng cách phòng ngừa các yếu tố nguy cơ. Bạn nên thay đổi chế độ ăn uống (giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn) và duy trì lối sống lành mạnh (thường xuyên tập thể dục, bỏ thuốc lá, rượu, giảm căng thẳng, hãy giảm cân nếu bạn bị thừa cân) để phòng bệnh tăng huyết áp.

Huyết áp tối đa phải 160mmHg trở lên mới là tăng huyết áp (THA)

Theo định nghĩa về huyết áp, huyết áp bình thường là 120/80 mmHg. Như vậy, chỉ cần chỉ số huyết áp của bạn trên 120/80 mmHg đã được gọi là tiền THA và bắt buộc đã phải theo dõi để điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và luyện tập.

Bạn sẽ không gặp nguy hiểm nếu chỉ có một trong các chỉ số huyết áp cao

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi là THA khi huyết áp tối đa bằng hoặc trên 140mmHg và huyết áp tối thiểu bằng hoặc trên 90 mmHg. Tăng huyết áp có thể là tăng một trong hai chỉ số này. Vì vậy, khi 1 trong 2 chỉ số này tăng cao thì có nghĩa là bạn đang bị tăng huyết áp.

Ảnh: linkedin.com

Tăng huyết áp không chữa khỏi được

Không phải hoàn toàn là như vậy. Chúng ta đều biết rằng, THA gồm hai loại: THA nguyên phát và THA thứ phát. THA nguyên phát (THA vô căn) là loại THA không tìm thấy căn nguyên gây bệnh, THA thứ phát là loại THA có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng như THA do u tủy thượng thận, do bệnh lý thận, do một số bệnh nội tiết…

Đối với THA vô căn, bắt buộc phải uống thuốc hàng ngày và kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để kiểm soát huyết áp. Còn đối với THA thứ phát, nếu điều trị tốt yếu tố gây bệnh thì huyết áp có thể về trị số bình thường hay có thể chữa khỏi. Vì vậy, khi bị THA, nhất thiết phải tìm kiếm xem có nguyên nhân nào gây THA hay không để điều trị trước khi kết luận là THA vô căn.

Đánh giá bệnh bằng cảm giác

Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp và mức độ bệnh thường không đi đôi với nhau. Có thể triệu chứng của bệnh rất rõ ràng nhưng huyết áp lại không cao, ngược lại có những người huyết áp rất cao nhưng triệu chứng lâm sàng không rõ ràng.

Với người THA mà triệu chứng lâm sàng không có cũng cần điều trị giảm huyết áp một cách tích cực, điều này phụ thuộc vào tuổi tác, chỉ số huyết áp, tình trạng bị tổn thương của các phủ tạng như: tim, não, thận và các nhân tố gây nguy hiểm khác.

Ảnh: nextavenue.org

Dừng thuốc khi thấy huyết áp về bình thường

Nhiều người cho rằng sau khi điều trị huyết áp trở về trị số bình thường thì có thể dừng thuốc, khi nào thấy huyết áp tăng cao thì lại uống. Điều này thực sự nguy hiểm vì khi dừng thuốc, nồng độ thuốc không còn nên huyết áp lại tăng cao trở lại.

Trên thực tế, số người bệnh THA điều trị khỏi rất hiếm, vì tăng huyết áp thường không tìm được nguyên nhân rõ ràng, do vậy chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải điều trị lâu dài, liên tục.

Trong quá trình điều trị còn phải thường xuyên kiểm tra điều chỉnh nhằm phòng chống những biến chứng do nó gây ra. Hơn nữa, khi HA tăng cao thường không có biểu hiện gì đặc biệt nên người bệnh khó nhận biết và nhiều khi cơn THA lên quá cao gây ra các biến chứng như xuất huyết não… thì đã quá muộn.

Tự ý thay thuốc hạ huyết áp đang dùng

Nhiều người hay thay đổi các loại thuốc hạ áp khác nhau với hy vọng tìm được thuốc mới tốt hơn thuốc cũ. Bạn nên nhớ rằng loại thuốc hạ huyết áp tốt nhất là thuốc giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp, ít gây tác dụng phụ và giá thành rẻ. Đối với người này, một loại thuốc có thể là rất tốt nhưng đối với người khác lại cho hiệu quả kém. Do đó, không nên tự ý thay đổi thuốc mà nên tham khảo tư vấn của bác sĩ điều trị để tìm cho mình loại thuốc điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

BS Thu Trang