Có nhiều nguyên nhân gây ra sự khó chịu cho dạ dày, nhưng phổ biến nhất gồm có khó tiêu, loét dạ dày, đau nửa đầu, viêm dạ dày ruột, hay do kinh nguyệt. Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn giảm sự khó chịu cho dạ dày.

Nếu bị viêm dạ dày ruột, thì tốt hơn hết là bạn nên dừng ăn các thực phẩm trong một hai ngày, và cho dạ dày cơ hội để xử lý các vấn đề. Tuy nhiên, phải nhớ là luôn cần cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Bạn có hay ăn khi đang bực tức hay bị stress? (Ảnh: gratisography.com)
Bạn có hay ăn khi đang bực tức hay bị stress? (Ảnh: gratisography.com)

Còn đối với các vấn đề đường tiêu hóa thông thường, bạn có thể giảm nhẹ hoặc ngăn ngừa tình trạng khó chịu do dạ dày nhờ chế độ ăn và thói quen ăn uống.

Những lời khuyên giúp chăm sóc dạ dày:

  • Ăn chậm, ăn từng miếng nhỏ và nhai kĩ. Ăn quá nhiều khiến dạ dày hoạt động quá sức và gây mệt mỏi, khó tiêu.
  • Ăn ít nhưng chia thành nhiều bữa. Có một lời khuyên phổ biến: chỉ ăn no 80%.
  • Ăn đúng giờ, ăn vào cùng thời điểm trong ngày.
Hãy chỉ ăn no tới 80% mà thôi (Ảnh: lifeofpix)
Hãy chỉ ăn no tới 80% mà thôi (Ảnh: lifeofpix)
  • Tránh ăn quá nhiều thực phẩm đã qua chế biến và nên ăn nhiều chất xơ.
  • Tránh đi ngủ ngay khi dạ dày vẫn còn đầy. Hãy cố gắng ăn trước khi đi ngủ 3 giờ
  • Không nên nằm ngay sau khi ăn.
Những thói quen làm dạ dày khó chịu (Ảnh: Internet)
Những thói quen làm dạ dày khó chịu (Ảnh: Internet)
  • Ăn bữa sáng và bữa trưa thịnh soạn, bữa tối ăn nhẹ nhàng.
  • Không tập nặng ngay sau ăn mà hãy dành 20 phút nghỉ ngơi để tiêu hóa.
  • Hãy uống nước trước và sau bữa ăn, nhưng không phải trong bữa ăn.
  • Căng thẳng sẽ khiến dạ dày khó chịu và ảnh hưởng đến tiêu hóa, vì vậy hãy thực hiện những hoạt động giúp bạn giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

Những thực phẩm ưa thích của dạ dày

  • Quả Sơn Tra, giúp chữa nhiều vấn đề dạ dày như đau, nhiễm trùng: Chúng cũng có thể làm thuyên giảm các vấn đề tiết niệu và kinh nguyệt.
  • Cháo là một phương thuốc nổi tiếng giúp cải thiện chức năng đường tiêu hóa.
  • Gừng là một trong số những thực phẩm tốt nhất đối với dạ dày. Gừng cải thiện tuần hoàn máu tới dạ dày, nó có lợi cho sự hồi phục và quá trình bài tiết. Nếu bạn bị nôn hay ốm nghén, trong lúc mang thai, thì gừng là thứ rất đáng để thử.
Cháo là thức ăn ưa thích cho dạ dày (Ảnh: Wiki)
Cháo là thức ăn ưa thích cho dạ dày (Ảnh: Wiki)
  • Chuối chứa pectin, có khả năng tạo ra một chất keo trong dạ dày, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và có lợi cho lớp niêm mạc dạ dày. (Nhưng nếu đã có vấn đề đau dạ dày từ trước thì cần lưu ý khi ăn chuối tiêu.)
  • Quả đu đủ giúp dạ dày duy trì môi trường axit lý tưởng cho quá trình tiêu hóa. Đu đủ cũng chứa các enzyme, giúp tiêu hóa các protein tốt hơn.
  • Các lợi khuẩn (men sống) giúp duy trì một hệ vi sinh cân bằng và khỏe mạnh trong đường tiêu hóa. Bổ sung lợi khuẩn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn chưa từng sử dụng chúng, thì khi dùng lần đầu có thể bị đầy bụng chướng hơi, nhưng thường chỉ là tạm thời. Hãy từ từ kết hợp sữa chua sống, các món ăn lên men vào chế độ ăn hàng ngày của bạn.
Đu đủ có enzyme giúp tiêu hóa protein (Ảnh: Pixabay)
Đu đủ có enzyme giúp tiêu hóa protein (Ảnh: Pixabay)

Kỹ thuật mát-xa đơn giản khi dạ dày khó chịu.

Phương pháp mát-xa: Khi ăn quá nhiều hoặc bụng quá chướng khiến bạn khó chịu đến mức khó thở, mát-xa có thể giúp bạn cải thiện tình trạng trên.

Cách thực hiện: Đặt bàn tay phải lên bụng, lòng bàn tay hướng vào phía bụng, vị trí ở trước dạ dày, hay ngay trên rốn như hình dưới, rồi úp bàn tay trái lên bàn tay phải, sau đó mát xa nhẹ theo chiều kim đồng hồ 30 lần, rồi làm tương tự nhưng ngược chiều kim đồng hồ 30 lần. Động tác này giúp làm tăng tuần hoàn máu, giảm chướng bụng, và có lẽ có thể giúp giảm chút mỡ dư thừa!

massage da day

Video hướng dẫn:

Ngoài ra, có một cách dân gian khá hữu hiệu khi bị đầy bụng, đó là dùng lá trầu không, hơ lửa cho nóng rồi đắp xung quanh rốn, sau khoảng vài phút, người bệnh sẽ có thể ợ hay ‘xì hơi’ và cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Nếu bạn đã thử làm theo những lời khuyên trên mà dạ dày vẫn khó chịu và kéo dài dai dẳng, thì hãy đến gặp các chuyên gia y tế. Bạn cũng nên tìm đến ý kiến của chuyên gia nếu có cơn đau cấp tính.

Theo visiontimes.com
Đại Hải biên dịch