Hàng năm, trẻ nhỏ thường xuyên phải đối mặt với sốt virus, cúm, viêm họng. Khi đưa trẻ đến gặp bác sĩ vì lý do trên, đa phần người làm cha mẹ đều sẽ thắc mắc nếu trẻ không được kê thuốc kháng sinh.

Quả thật vậy, nhiều phụ huynh có thể sẽ ngạc nhiên, thậm chí không hài lòng nếu bước ra khỏi phòng khám mà không có đơn thuốc kháng sinh trong tay. Thực sự bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình mau chóng khỏe lại, nhưng kê thuốc kháng sinh không phải luôn luôn là tốt.

1. Kháng sinh hoạt động như thế nào?

Kháng sinh là một trong những tiến bộ của y học, lần đầu tiên được sử dụng vào thập niên 40 của thế kỷ trước. Về sau, việc kê đơn kháng sinh quá tay dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc, không còn đáp ứng với điều trị kháng sinh như thời đầu.

Cha đẻ của kháng sinh, người phát hiện ra loại thuốc kháng sinh đầu tiên penicillin – nhà khoa học Alexander Fleming đã cảnh báo trước cho nhân loại rằng:

“Những kẻ lạm dụng thuốc penicillin không suy nghĩ sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức cho cái chết của người đau đớn vì nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn kháng penicillin”.

Có hai tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn và virus. Thông thường hai nhóm nguyên nhân này gây ra triệu chứng khá giống nhau, nhưng chúng có bản chất khác nhau.

  • Vi khuẩn là sinh vật sống, chúng có mặt ở khắp mọi nơi và hầu hết không gây hại, đôi khi có lợi. Ví dụ như vi khuẩn Lactobacillus có trong đường ruột giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn. Trái lại một số vi khuẩn có thể gây bệnh. Kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại.
  • Trái lại, virus không phải là cơ thể sống và không thể tự tồn tại đơn độc. Chúng chỉ sinh sôi và phát triển sau khi xâm nhập được vào tế bào sống. Hệ miễn dịch của cơ thể có thể chống lại một số virus trước khi chúng gây bệnh. Kháng sinh không có tác dụng đối với virus.
Bảng: Vi khuẩn hay virus (Nguồn: CDC)

2. Vì sao lạm dụng kháng sinh lại nguy hiểm?

Sự xuất hiện của kháng sinh là một tiến bộ của y học hiện đại, tuy nhiên kháng sinh là con dao hai lưỡi và có thể gây tác dụng phụ cho người bệnh.

  • Phản ứng dị ứng: Cứ 100 trẻ thì có 5 trẻ bị dị ứng với kháng sinh, trẻ có thể biểu hiện sưng phù, ngứa, ban đỏ. Bạn nên đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy biểu hiện nổi ban khi dùng kháng sinh.
  • Các tác dụng phụ khác: Trong 10 trẻ dùng kháng sinh sẽ có 1 trẻ gặp phải các tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy. Bên cạnh việc diệt vi khuẩn có hại, kháng sinh cũng diệt cả các vi khuẩn có lợi trong cơ thể, đây là một nguyên nhân khiến trẻ dễ bị tiêu chảy khi dùng kháng sinh.
  • Kháng kháng sinh: Nếu lạm dụng kháng sinh trong nhiều năm, vi khuẩn sẽ biến đổi khiến thuốc không còn hiệu quả. Đôi khi đây là nguyên nhân khiến việc điều trị trở nên khó hơn, cũng là lý do các bác sĩ rất cân nhắc khi kê kháng sinh.

3. Sử dụng kháng sinh an toàn

Vậy cha mẹ nên làm gì nếu trẻ bị ốm? Để giảm tối đa tác dụng phụ của kháng sinh và tình trạng đề kháng kháng sinh, các bậc phụ huynh nên lưu ý:

  • Chỉ dùng kháng sinh nếu bị nhiễm vi khuẩn hoặc đề phòng bội nhiễm: Lý tưởng nhất là để các bệnh nhẹ (đặc biệt bệnh được cho là do nguyên nhân virus) tự diễn biến và khỏi, các bậc phụ huynh chỉ cần điều trị triệu chứng đơn thuần. Nhưng hãy để bác sĩ quyết định bệnh là nhẹ hay không nhẹ. Khi bệnh kéo dài mà không khỏi, cha mẹ cũng nên đưa con đi khám.
  • Trao đổi cởi mở với bác sĩ: Hãy hỏi bác sĩ liệu con bị nhiễm vi khuẩn hay virus và cùng thảo luận về nguy cơ cũng như lợi ích khi điều trị kháng sinh. Nếu nguyên nhân bệnh là virus, cha mẹ có thể yêu cầu bác sĩ tư vấn cách điều trị triệu chứng. Không nên gây áp lực kê đơn kháng sinh cho bác sĩ.

Đại Hải

Tham khảo:

https://www.cdc.gov/features/antibioticuse/infographic2.html

https://timesofindia.indiatimes.com/life-style/health-fitness/home-remedies/dear-parents-why-you-must-stop-giving-antibiotics-to-your-children-and-try-these-natural-remedies/articleshow/61930869.cms?from=mdr