Triệt lông bằng laser giúp phái đẹp loại bỏ nhanh chóng các sợi lông trên cơ thể, mang lại hiệu quả cao và lâu dài hơn so với nhiều cách khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo một số tác dụng phụ ảnh hưởng đáng kể đến cơ thể.

1. Sưng và nổi mẩn đỏ

Sưng và nổi mẩn đỏ là những tác dụng phụ thường gặp nhất của bất kỳ loại hình điều trị bằng laser nào. Ngoài ra, bạn có thể sẽ cảm thấy một chút đau. Đó là những phản ứng bình thường của da khi tiếp xúc với tia laser. Tia laser sẽ đốt cháy nang lông, làm cho khu vực xung quanh đó nóng lên. Những dấu hiệu này thường sẽ biến mất trong một vài ngày.

Để giảm thiểu tác dụng phụ này, nhiều phòng khám sẽ hỗ trợ bạn bằng các phương pháp làm mát sau điều trị, chẳng hạn như đưa không khí lạnh lên vùng da vừa điều trị. Không khí lạnh sẽ làm giảm sưng và mẩn đỏ bằng cách làm chậm sự lưu thông máu.

2. Đau nhẹ khi triệt lông bằng laser

Trong khi tẩy lông bằng laser, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi đau. Một số người mô tả cơn đau giống như có một sợi thun đang bắn vào da. Vì vậy, để giảm thiểu sự đau đớn cho bệnh nhân, bác sĩ thường sẽ thử nghiệm laser trên một vùng da nhỏ để xác định chính xác cường độ laser cần dùng cho từng cá nhân cụ thể.

Quá trình triệt lông bằng laser có thể gây đau nhẹ. (Ảnh: LiLy App)

3. Da có thể bị sạm đen

Tẩy lông bằng laser sử dụng các chùm ánh sáng để loại bỏ việc hình thành lông trên cơ thể. Khi da bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, nó sẽ sạm màu đi như cách da phản ứng khi gặp ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, sẽ chỉ có phần da tiếp xúc với ánh sáng mới xuất hiện các đốm sẫm màu. Trong một vài trường hợp, da bạn sẽ trở nên sáng màu hơn nếu các sắc tố da bị ánh sáng phá hủy. Sau vài tháng, các đốm sẫm màu này sẽ mờ dần đi. Trong thời gian ấy, bạn có thể trang điểm để che đi khuyết điểm này.

4. Da bị bỏng nhẹ và có thể để lại sẹo

Nếu cường độ tia laser quá mạnh, da sẽ có nguy cơ bị rộp và bỏng sau đó. Tác dụng phụ này thường hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Những người có làn da tối màu sẽ dễ gặp vấn đề này hơn, vì phương pháp tẩy lông bằng laser hoạt động bằng cách nhắm vào sắc tố của lông. Nếu bạn có màu da lẫn màu lông đều tối, sẽ rất khó để tia laser phân biệt và tránh tác động lên da bạn, nên dễ xảy ra hiện tượng bỏng da.

Người có làn da sẫm màu dễ có nguy cơ bị bỏng hơn. (Ảnh: MomJunction)

Vậy nếu như bạn đã chọn cho mình phương pháp triệt lông này thì cần quan tâm đến những vấn đề gì? Dưới đây là một số gợi ý cho các bạn tham khảo để có một quá trình làm đẹp an toàn hơn.

– Giữ cho da luôn sạch sẽ, thông thoáng

Đây là cách chăm sóc da rất quan trọng. Sau 2-3 ngày nên rửa vùng da triệt lông nhẹ nhàng bằng nước đun sôi để nguội hay nước muối sinh lý. Không nên dùng nước nóng để rửa, không chà xát mạnh.

– Không tẩy da chết

Sau khi tiến hành triệt lông, bạn có thể sẽ bị sưng hoặc phồng rộp. Tình trạng này hoàn toàn vô hại nếu bạn nhẹ nhàng với vùng da trị liệu. Do vậy, việc tẩy da chết và cạo lông sau khi trị liệu có thể gây kích ứng da và để lại sẹo.

– Bảo vệ da khỏi tác động từ tia UV

Nên dùng kem chống nắng thường xuyên cả khi ở trong nhà, không ngồi gần cửa sổ, không hướng mặt ra ngoài nắng. Những tổn thương điều trị laser có tạo vảy, bạn không nên bóc vảy hoặc chà xát mạnh làm bong vảy sớm dễ dẫn đến tổn thương bị tăng sắc tố.

Bôi kem chống nắng, ngay cả khi ở trong nhà. (Ảnh: dep365.info)

– Cần tiến hành triệt lông nhiều lần

Triệt lông bằng tia laser là một dạng giảm lông mọc một cách vĩnh viễn, chứ không phải triệt lông vĩnh viễn. Sự thay đổi hormone do mang thai hoặc do sử dụng thuốc tránh thai có thể sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển lông sau này và có thể sẽ khiến phương pháp trị liệu này kém hiệu quả hơn. Thông thường, bạn sẽ phải triệt lông khoảng 4 lần, trong vòng 4 tuần riêng rẽ. Phụ thuộc vào phản ứng của cơ thể với việc dùng tia laser, bạn có thể sẽ phải tiến hành nhiều lần hơn. Và điều này đúng với tất cả mọi vùng da trên cơ thể.

– Bạn vẫn có thể sẽ mọc lông trở lại, nhưng với lượng ít hơn

Nếu triệt lông đạt được 70% lông đã được coi là một kết quả tốt. Vậy nên sẽ còn một lượng ít lông vẫn sẽ phát triển tại vùng da được trị liệu. Tuy nhiên, phần lông này sẽ mỏng và có màu sáng hơn so với những sợi lông ban đầu mà bạn sở hữu.

– Tạm ngừng việc tập luyện thể thao

Khi bạn luyện tập, các sợi vải ở quần áo có thể sẽ cọ xát vào vùng da nhạy cảm vừa được trị liệu có thể sẽ gây kích ứng thêm vùng da này. Nếu da bạn trông đỏ và sưng, bạn nên tránh các hoạt động gây ma sát cho vùng da này, hoặc đến gặp bác sỹ da liễu.

Yến Dương