Nếu năm 2000 cả nước chỉ có khoảng 68.000 người mắc ung thư được ghi nhận thì đến năm 2010 số ca bệnh ung thư đã lên tới 126.000 người. Dự báo tới năm 2020 số người mắc ung thư tại Việt Nam sẽ lên tới 200.000 người (GS-TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K cho biết).

Kết quả thống kê trên 120.000 người mắc ung thư tại TPHCM cho thấy, độ tuổi trung bình của người bệnh mắc ung thư là 55, trẻ hơn nhiều so với các nước phát triển (khoảng 60 tuổi). Các ung thư hàng đầu thường gặp ở nam giới là phổi, gan, đại trực tràng, miệng – hầu, dạ dày; ở nữ là ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng.

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc mới và 75.000 người tử vong do ung thư. (Ảnh: Sveikata – Lrytas)

Ngoài các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền trong cơ thể mỗi người thì sự gia tăng của căn bệnh ung thư là tổng hòa của các yếu tố do điều kiện ngoại cảnh tác động liên quan đến môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiễm nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng… hoặc chính con người tự mang họa đến cho mình bởi lối sống thiếu khoa học với các thói quen, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không an toàn, hợp lý, quan hệ tình dục không an toàn…

Trong Hội thảo phòng chống ung thư (từ 29/11 đến 2/12/2017 tại TPHCM), TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, mức độ ung thư tại TPHCM trong khoảng 5 năm trở lại đây tăng từ 8,8% đến 9,9% so với 5% của những năm trước đó. Với số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị gia tăng 10% mỗi năm dù Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM đã thực hiện các giải pháp xây dựng khoa bệnh vệ tinh, phối hợp công tư nhưng cơ sở chính tại quận Bình Thạnh vẫn rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng – Theo dantri.

Gần 2 thập niên đầu của thế kỷ XXI, lĩnh vực y học đã có nhiều tiến bộ trong việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư nhưng số ca bệnh được phát hiện điều trị sớm chưa theo kịp sự gia tăng của căn bệnh này (vẫn còn 40% bệnh nhân nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn).

Ung thư hiện đang là “bóng ma” ám ảnh cả cộng đồng, với những khoản chi phí điều trị rất tốn kém do thuốc đặc trị đắt tiền, nhiều loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm nên phần lớn người mắc bệnh ung thư bất kể già trẻ gia đình đều rơi vào cảnh khánh kiệt.

Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư?

GS.TS Nguyễn Bá Đức. (Ảnh: benhvienk.vn)

GS.TS Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc BV K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam nhấn mạnh, ung thư là bệnh đa hình thái, có trên 200 loại ung thư khác nhau và ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau, nên chỉ 1 xét nghiệm máu để phát hiện tất cả các loại ung thư khác nhau là không có. Không thể xét nghiệm máu để phát hiện ung thư vú, ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung…

Có một số ung thư xuất tiết một số rất ít vào trong máu (rất ít), nên khi xét nghiệm máu chỉ số này cao hơn một chút chúng ta mới chỉ nghi ngờ thôi chứ chưa khẳng định, sau đó cần phải xét nghiệm chuyên sâu hơn để khẳng định. Như chỉ số AFP của ung thư gan, xét nghiệm máu nếu chỉ số trên 400ng/ml, sau đó bác sĩ cần kết hợp siêu âm gan, chụp gan, sinh thiết rồi mới khẳng định. Hay với ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm máu PSA trên 10 (bình thường chỉ 4-5) có thể nghi ngờ. Vì nhiều khi bệnh nhân viêm gan thì AFP cũng tăng hay phì đại lành tính tuyến tiền liệt cũng khiến PSA tăng.

Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau. Khi xét nghiệm máu, người ta có thể phát hiện ra một số chất chỉ điểm như AFP, PSA, CEA… để phát hiện ung thư, tuy nhiên những chất chỉ điểm này không đặc hiệu. Người thầy thuốc chỉ định xét nghiệm máu trong một số trường hợp đặc biệt.

Với nam giới trên 50 tuổi, người ta khuyên xét nghiệm PSA định kỳ hàng năm, nếu chỉ số cao thì cần tiếp tục siêu âm, sinh thiết… để chẩn đoán. Với phụ nữ, chị em có thể tự kiểm tra ngực sau khi sạch kinh, nếu phát hiện bất thường cần đi khám ngay. Cổ tử cung, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi năm 1 lần. Ở các nước, những việc sàng lọc này người dân rất có ý thức đi khám. Như ở Mỹ bảo hiểm y tế còn chi trả cho việc khám sàng lọc, tuy nhiên ở ta thì chưa làm được. Đối với những người có nguy cơ cao nên đi sàng lọc phát hiện sớm như người hút thuốc lá, bị bệnh đại tràng, viêm gan mạn tính, viêm dạ dày, người bị rối loạn kinh nguyệt, người béo phì… nên đi khám định kỳ.

Dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay

U, hạch bất thường là một trong những dấu hiệu không loại trừ nguy cơ ung thư mà chúng ta cần đi khám. (Ảnh: Keywordsuggest.org)

Về phát hiện sớm, GS. Đức cho rằng, không riêng gì bệnh ung thư mà bệnh nào cũng thế, nếu phát hiện sớm thì khả năng chữa được rất cao, như viêm ruột thừa nếu bị bệnh mà không phát hiện ra sẽ có nguy cơ tử vong.

Để phát hiện sớm, mỗi người cần lắng nghe cơ thể mình, khi có dấu hiệu ban đầu cần đi khám chuyên khoa ngay, như có vết loét lâu ngày không khỏi, có u, hạch to dần ở bất cứ vị trí nào, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu, bí tiểu bí đái, ăn khó tiêu, rối loạn kinh nguyệt bất thường (có máu bất thường trong chu kỳ, mãn kinh bỗng chảy máu hoặc quan hệ vợ chồng chảy máu…), sụt cân nhanh, ù tai, lác mắt, nhìn đôi, nói ngọng… Tất cả những dấu hiệu này người bệnh cần đi đến cơ sở y tế sớm để khám“- GS. Đức chỉ rõ.

Trước lo ngại rằng, sau khi điều trị ung thư, nếu xét nghiệm không phát hiện tế bào ung thư, liệu tế bào ung thư có quay trở lại không? Tỷ lệ bệnh nhân bị lại là bao nhiêu? GS. Đức cho hay, bệnh ung thư nếu phát hiện càng sớm thì tỷ lệ tái phát càng ít, thậm chí zero. Nếu khối u ung thư dưới 1cm, mà chưa lan đi chỗ nào khác, thì có thể khỏi hẳn. Nếu giai đoạn muộn, thì có đặc tính di căn. Chữa trị càng sớm càng đảm bảo; càng muộn, càng nhiều hạt gieo rắc chỗ khác thì tái phát càng tăng. Nó phụ thuộc vào bạn chữa giai đoạn sớm hay muộn. Có bệnh nhân ung thư vú 40 năm sau vẫn khỏe mạnh; có bệnh nhân 3-5 năm sau tái phát.

Đặc tính của tế bào ung thư là tái phát và di căn, phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng tăng. Còn nếu phát hiện muộn thì tái phát và di căn càng tăng. Do đó, sau điều trị cần tái khám. Ban đầu, 3-6 tháng khám một lần. Nếu sau 5 năm, có thể 2 năm khám lại một lần. Nếu sau 5 năm bệnh tái phát, phát hiện tái phát sớm, điều trị triệt để ngay vẫn có thể khỏi“- GS. Đức phân tích.

Dự phòng là quan trọng

Thực phẩm giàu chất sơ và chất kháng ung thư nên là khẩu phần được ưu tiên trong thực đơn. (Ảnh: iFitness)

Theo GS. Đức, khoa học đã nghiên cứu và khẳng định, có thể dự phòng được nhiều loại ung thư. Ung thư có tác nhân gây bệnh, người ta chia ra 2 tác nhân, thứ nhất là những yếu tố từ bên ngoài môi trường sống (là nguyên nhân chủ yếu, chiếm 80%, nhưng là những tác nhân này có thể thay đổi được) gồm các chất hóa học, tác động vào như thuốc lá, hóa chất từ thực phẩm, tia phóng xạ, ánh sáng mặt trời, tia cực tím từ tự nhiên, siêu vi trùng như siêu vi trùng gây viêm gan b, C, siêu vi trùng gây u nhú ở người (HPV) gây ung thư cổ tử cung. Nếu hạn chế được các yếu tố này sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư.

Tác nhân thứ 2 (tác nhân nội sinh), nhưng những tác nhân này không thể phòng được, nhưng nó chỉ chiếm 20% như vấn đề tuổi tác, nội tiết (nội tiết tố nam liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt, yếu tố này do cơ địa con người, không dự phòng được), gen di truyền (tỷ lệ này ít khoảng 5%).

Trong ăn uống cần ưu tiên cho dinh dưỡng thực vật gồm các loại rau, trái tươi, hột, củ, đậu nguyên trạng. Thực vật nên chiếm phân nửa hoặc hai phần ba bữa ăn bởi thực phẩm này chứa ít chất béo nhiều chất xơ và nhiều chất kháng ung thư. Phần còn lại dành cho cá, thịt, trứng và thức ăn từ sữa. Rau trái có màu đậm, sáng, tỏi, gừng, bột cà ri là các gia vị tốt là các thức ăn kháng oxi hóa phòng tránh ung thư tốt.

Uống nước cho đủ, bởi nước kích hoạt miễn dịch, đưa chất dinh dưỡng khắp cơ thể, rửa sạch chất độc, tránh các loại giải khát có đường. Thịt rất cần cho cơ thể nhưng dùng nhiều thịt không phải ăn lành bởi thịt chứa nhiều chất béo gây ung, chế biến sai như quá nóng, quá cháy khét còn mang thêm các chất sinh ung.

Nên dùng cá, thịt gà nhiều hơn các loại thịt đỏ như bò, heo, cừu. Chọn chất béo lành, tránh mỡ trong thịt đỏ; dùng dầu thực vật, bớt ăn các thức ăn như hun khói, muối mặn, làm dưa. Không thuốc lá, hạn chế rượu bia, ít sử dụng thức ăn chứa nhiều chất béo; chú ý ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tăng cường vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư cho cơ thể.

Cao Sơn

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.