Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 10.557 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các chuyên gia y tế dự báo, sốt xuất huyết có thể bùng thành dịch, hàng chục nghìn người có nguy cơ mắc bệnh nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Tại Việt Nam, năm 2017, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 150.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gần 50 trường hợp tử vong.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Dự báo trong năm 2018, tình hình dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục có các diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, tiếp tục gia tăng tại nhiều nước trên thế giới xâm nhập vào nước ta như: Bệnh Ebola, cúm A(H7N9), bệnh MERS-CoV…”, theo VTC.

Ba tháng đầu năm, Hà Nội ghi nhận 59 ca, giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (382 ca) tuy nhiên các yếu tố nguy cơ để dịch bùng phát luôn hiện hữu. Cụ thể, tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn ở tạm bợ…

Bên cạnh đó, dự báo thời tiết mùa hè năm 2018 tiếp tục diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, trong đó có sốt xuất huyết, theo Vnexpress.

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành.

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
Tiêu trừ ổ nước đọng, khu vực ẩm mốc, diệt loăng quăng, bọ gậy nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết

Để tình trạng bệnh dịch không diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người nên thực hiện các biện pháp sau nhằm phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

5. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

6. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

7. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

8. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

9. Khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

H.H