Theo Daily Mail, báo cáo của các nhà khoa học đến từ trường Đại học của Úc, Hà Lan, Ireland và Anh, những đứa trẻ sinh mổ thường có nguy cơ bị rối loạn chuyển hoá và gặp các chứng bệnh như tiểu đường hoặc béo phì gấp 3 lần so với phương pháp sinh thường.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Western Sydney, Trung tâm Y tế Đại học Groningen, Đại học Flinders, Đại học UCLAN, Đại học Sydney và Đại học Cork đã thực hiện nghiên cứu sức khoẻ của phụ nữ và con cái trong suốt 13 năm.

Nguy cơ béo phì, tiểu đường ở trẻ sinh mổ cao gấp 3 lần sinh thường
(ảnh: Shutterstock).

Báo cáo dựa trên đánh giá dữ liệu về sức khoẻ thu được từ gần 500.000 phụ nữ và con cái họ sinh ra ở New South Wales từ năm 2000-2008. Những thai phụ được chọn cho nghiên cứu đều có cơ thể khỏe mạnh, không hút thuốc hoặc dùng ma túy và nằm trong độ tuổi từ 20-35.

Họ cho biết có 88% thai phụ phải dùng thuốc giảm đau trong quá trình chuyển dạ. Các biện pháp can thiệp khi sinh được áp dụng với 43% thai phụ, trong đó 11% sinh bằng phương pháp mổ. Chỉ 38% thai phụ sinh thường mà không cần bất cứ phương pháp giục sinh nào.

Nguy cơ béo phì, tiểu đường ở trẻ sinh mổ cao gấp 3 lần sinh thường
Các nhà khoa học phát hiện ra những trẻ sơ sinh bằng các biện pháp can thiệp có khả năng bị vàng da gấp 3 lần cùng những nguy cơ về bệnh tiêu hóa.

Trẻ sinh mổ dễ bị hạ thân nhiệt trong 30 ngày đầu sau sinh. Trong những năm tiếp theo, trẻ dễ phát triển các rối loạn chuyển hóa như béo phì và tiểu đường gấp 2,5 lần. Các nhiễm trùng đường hô hấp, rối loạn chuyển hóa và chàm đều hay gặp hơn ở trẻ sinh có can thiệp.

Nghiên cứu kết luận: “Trẻ sinh thường tự nhiên gặp ít vấn đề về sức khoẻ ngắn hạn và dài hạn hơn so với những trẻ sinh có can thiệp”.

Tiến sỹ Lillian Peters, một nhà dịch tễ học tại trường đại học Hà Lan và Học viện Amsterdam Groningen trao đổi trên Daily Mail cho biết: “Tất cả những thứ chúng tôi thực hiện trong nghiên cứu này là quan sát, đánh giá việc sử dụng hormone để bắt đầu và kích thích quá trình sinh nở cũng như chế độ sinh. Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu trong tương lai, hy vọng có thể khẳng định các phát hiện này bằng cách đưa vào các cơ sở đăng ký dữ liệu dựa vào dân số khác với thời gian theo dõi lâu hơn”.

Nguy cơ béo phì, tiểu đường ở trẻ sinh mổ cao gấp 3 lần sinh thường
Nguy cơ béo phì, tiểu đường ở trẻ sinh mổ cao gấp 3 lần sinh thường

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, tỷ lệ sinh mổ có xu hướng ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Bên cạnh những trường hợp liên quan tới nguyên nhân y khoa, còn có rất nhiều trường hợp sinh mổ theo yêu cầu.

Mổ lấy thai là một phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định một khi quá trình chuyển dạ sinh không thể tiến triển hoặc có vấn đề đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi mà phải chấm dứt thai kỳ sớm. Mổ lấy thai được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

– Về phía sản phụ: Xương chậu hẹp, dị hình hoặc thai nhi quá lớn. Mang đa thai, thai phụ sinh lần 1 trên 35 tuổi, bệnh tim khi mang thai. Xuất huyết nhiều trước khi sinh…

– Về phía thai nhi: Thai nhi bị ngạt, suy thai. Dây rốn bị đứt, tim thai không tốt. Chức năng của nhau thai giảm khiến thai nhi phát triển chậm trong tử cung, mang thai quá lâu mà chưa có dấu hiệu đau đẻ (trên 42 tuần). Vị trí của thai nhi không đúng, ngôi thai bất thường như ngôi ngang, ngôi ngược…

H.H