Ngủ lâu hơn 7 hoặc 8 tiếng mỗi đêm có thể dẫn đến nguy cơ tử vong sớm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh như tim mạch, tiểu đường và trầm cảm.
 

Thông thường người trưởng thành ngủ khoảng 7 tiếng, vừa đủ cho cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn. Nhiều người thường có thói quen ngủ nướng hoặc tranh thủ ngủ bất cứ khi nào. The Guardian cho biết, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 74 cuộc nghiên cứu trên tổng cộng hơn 3 triệu người. Kết quả cho thấy những người ngủ 10 tiếng/ngày có nguy cơ “chết yểu” nhiều hơn 30% so với những người ngủ 8 tiếng/ngày.

Không chỉ vậy, những người nằm trên giường hơn 10 giờ cũng làm gia tăng 56% nguy cơ tử vong do đột quỵ và tăng 49% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Chất lượng giấc ngủ kém dẫn đến sự gia tăng 44% bệnh tim mạch vành, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu cho biết giấc ngủ bất thường có thể là “một dấu hiệu của nguy cơ tim mạch cao”. Do đó, các bác sĩ khi thăm khám nên hỏi kỹ bệnh nhân về tình trạng giấc ngủ và tư thế nằm ngủ của bệnh nhân để có thể phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe.

Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu khác còn phát hiện ra những người ngủ từ 9 – 10 giờ mỗi đêm có nguy cơ béo phì trong khoảng thời gian 6 năm nhiều hơn 21% so với những người chỉ ngủ 7 – 8 giờ. Bởi khi ngủ càng nhiều thì thời gian vận động càng ít, lượng calories trong cơ thể không bị đốt cháy nên cân nặng chắc chắn sẽ tăng theo thời gian.

Thay vì não bộ được nghỉ ngơi trong giấc ngủ như nhiều người vẫn nghĩ thì đây lại là lý do khiến bộ não của bạn lão hóa nhanh thậm chí già hơn cả 2 năm tuổi. Từ đó, não bộ hoạt động không còn nhanh nhẹn, giảm trí nhớ và ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động hàng ngày.

Ngủ quá nhiều cũng khiến giấc ngủ dễ chập chờn, hay bị thức giấc giữa đêm. Điều này dẫn đến giấc ngủ không sâu, chất lượng giấc ngủ kém nên ảnh hưởng không ít cho não lẫn sức khỏe. Và có đến 15% những người bị trầm cảm là do ngủ quá nhiều. Đặc biệt, một khi đã bị trầm cảm nếu bạn ngủ quá nhiều sẽ khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng thêm.

Ngoài ra việc ngủ quá nhiều dẫn dénd một số chất dẫn truyền thần kinh bao gồm cả serotonin bị giảm hẳn. Từ đó gây áp lực lên não bộ và thần kinh nên bạn thường bị nhức đầu mỗi khi thức dậy. Thêm vào đó, lượng đường trong máu tăng cao sau giấc ngủ dài nên nguy cơ bị tiểu đường loại hai càng dễ mắc phải.

Tiến sĩ Chun Shing Kwok, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ thuộc Đại học Keele, cho biết: “Yếu tố văn hóa, xã hội, tâm lý, hành vi, sinh lý học và môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của chúng ta. Ví như khi ta bận rộn và mệt mỏi với việc chăm trẻ hay các ca làm việc căng thẳng hoặc đôi khi là bệnh tật về thể chất hoặc tinh thần”.

Vũ Vũ