Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, người ngáy to khi ngủ có xương sọ mỏng hơn 1,23 mm so với người bình thường và dễ mắc các bệnh như mất trí nhớ, bất tỉnh, đau tim…

Chứng ngưng thở xảy ra khi thành họng giãn ra và hẹp lại trong lúc ngủ, gây rối loạn nhịp thở và là một nguyên nhân chủ chốt gây ngáy. Biểu hiện của ngưng thở gồm ngáy to, há miệng hay lẩm bẩm khi ngủ.

Người ngáy to khi ngủ có hộp sọ mỏng, dễ mắc bệnh đãng trí
Ảnh minh họa.

Theo Daily Mail, một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, việc ngáy to có thể khiến xương sọ mỏng và yếu hơn. Các nhà khoa học đang nghi ngờ chính chứng ngưng thở khi ngủ khiến xương sọ của người hay ngáy mỏng hơn 1,23 mm so với người bình thường.

Cụ thể, khi sọ bị bào mỏng 1 mm, bệnh nhân có nguy cơ bị rò rỉ dịch não tủy, dẫn tới các triệu chứng như mất trí nhớ, bất tỉnh, đau tim, thậm chí tử vong. Tại Mỹ, chứng ngưng thở ảnh hưởng tới 18 triệu người trưởng thành.

Tiến sĩ Rick Nelson, Đại học Indiana, tác giả của công trình nghiên cứu cho biết, chứng ngưng thở khi ngủ có thể góp phần gây ra những rối loạn liên quan tới xương sọ bị bào mòn, như rò rỉ dịch não tủy (CSF-L). Chất này có mối liên hệ với béo phì. 10 năm trở lại đây, số người béo phì mắc CSF-L đã tăng gấp đôi.

Ông Rick Nelson cho biết thêm, nhóm nghiên cứu của mình cần thực hiện thêm nhiều thí nghiệm để xác định cơ chế chính xác, chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn tới bào mòn xương sọ và bằng cách nào có thể làm tăng nguy cơ mắc CSF-L.

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã quét chụp hộp sọ của 114 người trong độ tuổi từ 40-60, trong đó, 56 người mắc chứng ngưng thở khi ngủ từ nhẹ tới nặng. Một nghiên cứu trước đó được công bố vào tháng 7/2017 cho thấy, có mối liên hệ giữa ngáy và bệnh Alzheimer.

Phương Nam