Ngâm chân là một trong những cách đơn giản giúp bạn phòng tránh bệnh tật và giữ cơ thể khỏe mạnh. Quan trọng hơn, việc ngâm chân với lá ngải cứu – thứ lá quen thuộc, phổ biến và dễ dàng mua được còn mang lại nhiều tác dụng hơn những gì xưa nay chúng ta vẫn nghĩ.

Bàn chân chứa nhiều huyệt vị quan trọng (ảnh: Khoa Học TV).

Cho dù mùa nóng hay mùa lạnh, các nhà nghiên cứu vẫn khuyên chúng ta nên ngâm chân mỗi ngày để hạn chế bệnh tật. Bạn không thể có được một giấc ngủ ngon nếu đôi chân bị lạnh. Bởi lẽ, chân lạnh có thể khiến toàn thân bị lạnh do kinh mạch của thận và tỳ vị bắt nguồn từ chân nhưng do chân nằm xa tim nên thời gian để máu vận chuyển tới đây lâu hơn so với các cơ quan khác. Điều này có thể khiến chân bị thiếu hụt máu và rất dễ nhiễm lạnh.

Lá ngải cứu còn được Đông y gọi là Ngải khao, vốn chỉ là một loài rau dại nhưng sau đó được nghiên cứu và sử dụng như một loại dược liệu quý, được gọi là “rau của bậc Danh y”. Ngải cứu được người dân Châu Á sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng, cay, ấm, khi ăn sẽ tác động chính vào 3 kinh mạch là tỳ, can và thận. Nghiên cứu cho thấy lá ngải cứu có thể làm giảm hàn trừ ẩm, ấm kinh và cầm máu. Rất phù hợp dùng cho những người hay bị mất máu, đau bụng, đau bụng kinh, tử cung chảy máu, các bệnh phụ khoa khác.

 

Ngải cứu là loại thuốc quý, gần gũi với mọi người (ảnh: Pinterest).

Ngải cứu có thể sử dụng để làm thực phẩm hằng ngày, sắc thuốc để uống, hoặc chế biến thành các bài thuốc ngâm chân cũng rất hiệu quả. Ngâm chân với ngải cứu mỗi ngày, bạn sẽ đạt được nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một vài minh chứng.

1. Loại trừ chứng nóng trong người

Nóng trong người là nguyên nhân chính gây nên nhiều căn bệnh như: loét miệng, viêm dạ dày, viêm tai, viêm họng… Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Dấu hiệu để nhận biết bạn bị nóng trong người là nhiệt độ cơ thể bỗng tăng cao, hoặc vào mùa hè trời nóng nực, cơ thể bạn chưa kịp thời “hạ hỏa”.

Để khắc phục tình huống này, bạn chỉ cần sử dụng một nắm lá ngải cứu, đun sôi cùng với nước. Sau đó đổ ra thùng gỗ, đợi nước nguội thì cho chân vào ngâm.

Thời gian ngâm chân nên kéo dài khoảng 15-20 phút. Không quá 30 phút là được. Trong quá trình ngâm, cơ thể bạn có thể nóng lên và đổ mồ hôi. Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường của cơ thể.

Sau khi ngâm chân, bạn nên sử dụng một chiếc khăn khô để lau chân khô ráo. Tiếp theo hãy uống một chút nước ấm.

Để đạt được hiệu quả cao nhất thì hãy ngâm chân với ngải cứu liên tục trong 2-3 ngày. Đồng thời kết hợp ăn thêm các thực phẩm mát, bổ dưỡng, tránh thức ăn cay nóng. Nghỉ ngơi hợp lý, khoa học cũng sẽ giúp giảm các chứng bệnh do nóng trong người.

(Ảnh: Bí Kíp Hay).

2. Phòng chống lạnh, loại bỏ chứng dư ẩm

Có nhiều người có thể trạng hư hàn, thân nhiệt thấp, lúc nào cũng cảm thấy lạnh. Một nhóm người khác cơ thể dư thừa độ ẩm, hay phù thũng. Theo Đông y, ngải cứu có tác dụng rất mạnh trong việc loại bỏ hàn lạnh.

Dùng lá ngải cứu để ngâm chân có tác dụng cải thiện hệ tuần hoàn, lưu thông khí huyết, giúp loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể, tác động tới 20 dòng kinh mạch trên cơ thể và điều hòa âm dương trở về trạng thái cân bằng.

Khi khí huyết khỏe mạnh thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, do đó khí hàn lạnh cũng tự nó tiêu tan.

Đối với tác dụng loại bỏ hàn lạnh, kiến nghị mọi người thường xuyên ngâm chân hoặc dùng cách hơ nóng lá ngải cứu đắp vào chân để tăng cường hiệu quả.

3. Giảm chứng chuột rút

Đối với những ai thường xuyên bị chuột rút, co thắt cơ bắp thì càng nên ngâm chân với ngải cứu. Không chỉ vậy, bài thuốc ngâm chân này còn có tác dụng giảm đau nhức cơ hiệu quả. Trong quá trình ngâm, bạn có thể kết hợp massage để tác động đến các vùng xương khớp bị đau.

4. Điều hòa kinh nguyệt

Lá ngải cứu còn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt đối với cơ thể chị em phụ nữ. Đặc biệt là những ai thường xuyên bị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt. Bạn có thể sử dụng lá ngải cứu để ngâm chân mỗi ngày, trước 1 tuần khi sắp tới ngày “đèn đỏ”.

Ngoài phương pháp ngâm chân thì chị em có thể hãm ngải cứu với nước sôi để uống, sắc thuốc uống…

Ngải cứu tốt cho bà bầu (ảnh: conlatatca).

5. An thai tốt cho bà bầu

Ăn ngải cứu khi mang thai rất tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Hơn nữa, ngải cứu là thực phẩm an toàn, không gây kích ứng tử cung, không gây nên nguy cơ sảy thai.

Những mẹ bầu bị mất ngủ, người mệt mỏi, có chứng đau bụng, ra máu thì có thể lấy ngải cứu đem sắc thuốc uống. Hoặc ngâm chân với ngải cứu mỗi ngày để khắc phục các tình trạng trên.

Ngải cứu có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để tạo thành bài thuốc ngâm chân hiệu quả cao hơn. Bạn có thể tham khảo một số công thức sau đây:

1. Ngải cứu + hoa tiêu

Ngâm chân với ngải cứu và hoa tiêu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ra mồ hôi chân, chân bị hôi, bệnh nhân bị viêm chân… Đặc biệt, tinh dầu có trong hoa tiêu có mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu, giúp bạn loại bỏ mùi hôi chân hiệu quả nhất.

2. Ngải cứu + muối

Ngải cứu có thể đem đun sôi với một ít muối hạt to để tạo thành nước ngâm chân trị đau nhức xương khớp, mất ngủ, cảm lạnh…Vào mùa đông, nếu chân tay bạn bị cước, hoặc bị lạnh buốt thì nên ngâm chân với ngải cứu và muối mỗi ngày. Vừa giúp lưu thông máu tốt hơn lại loại bỏ khí lạnh ra khỏi cơ thể.

3. Ngải cứu + gừng tươi

Gừng có tính nóng, thường được sử dụng để điều trị phong hàn, cảm lạnh, cảm cúm, viêm khớp. Kết hợp ngải cứu với gừng, bạn sẽ có được một bài thuốc ngâm chân cải thiện sức khỏe cực kỳ hiệu quả.

4. Ngải cứu + hoa đỏ (hồng hoa)

Hồng hoa (ảnh: Y Dược VN).

Bài thuốc ngâm chân này dành cho những người thường xuyên bị tê chân tay, co giật cơ bắp, chuột rút, đau nhức xương khớp… Ngoài ra, hoa hồng cũng có tác dụng trị viêm chân hiệu quả, đồng thời loại bỏ mùi hôi chân khó chịu.

Đối tượng nào không nên ngâm chân lá ngải cứu?

Mặc dù ngâm chân ngải cứu rất tốt cho sức khỏe của mọi người nhưng tuyệt đối không được ngâm tùy tiện. Ba nhóm người không nên ngâm chân với ngải cứu là:

– Người bị tiểu đường

– Người bị suy giãn tĩnh mạch

– Người bị tắc nghẽn động mạch

Những trường hợp này đa số gặp phải tình trạng máu lưu thông kém, hoặc bị tắc nghẽn. Nếu ngâm chân với ngải cứu lâu có thể làm tăng lưu lượng máu cục bộ, tăng gánh nặng lên thành mạch máu, khiến bệnh tình nặng hơn.

Ngoài ra, một số người bị bong gân, vết thương hở ở chân cũng không nên ngâm chân ngải cứu.