Người mẹ nào cũng muốn có nhiều sữa về để con bú no mau lớn, tuy nhiên thực tế có nhiều trường hợp ít sữa, sữa không đủ. Công thức đơn giản này sẽ giúp bạn ‘gọi sữa về’ nhanh chóng.

Sữa mẹ được chứng minh là nguồn dinh dưỡng quý giá và là thức ăn tốt nhất cho trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời. Sữa mẹ chứa đủ năng lượng và mọi chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển của cơ thể trẻ. Trẻ bú sữa mẹ đủ và dài ngày sẽ nhanh lớn và có sức đề kháng tốt.

5 dấu hiệu cho thấy mẹ ít sữa

Ngay cả khi người mẹ thấy cương sữa, xuống sữa khi bé bú, sữa thấm ướt áo… cũng không thể khẳng định là mẹ có đủ sữa cho con. Cần quan sát thông qua một số dấu hiệu sau:

  • Dựa vào lượng phân bé thải ra: Nếu mỗi ngày thay cho bé ít nhất 5 lần tã có phân của bé thì mới có thể tin tưởng bé bú đủ sữa.
  • Dựa vào lượng nước tiểu của bé: Nếu thay 8 đến 10 lần tã ướt mỗi ngày, đó là cơ sở để biết mẹ có đủ sữa hay không. Ngoài ra, nếu bé bú đủ sữa thì nước tiểu thường trong suốt hoặc chỉ có màu vàng nhẹ.
Quan sát khi thay tã, bỉm sẽ biết bé bú có đủ sữa không
  • Cách bé mút và nuốt trong suốt quá trình bú mẹ: Nếu bé chỉ mút và mút rất nhanh, điều này cho thấy sữa mẹ không đủ. Nếu sữa mẹ về nhiều, bé sẽ mút và nuốt chậm rãi.
  • Dựa vào biểu hiện của bé sau khi bú: Bé vẫn khóc và cáu kỉnh sau khi bú xong, có thể là do vẫn còn đói bụng.
  • Cân nặng của bé: Không có chỉ báo nào đáng tin cậy hơn chỉ số tăng cân của bé. Trung bình, trong tháng đầu bé tăng khoảng 1 kg và tiếp tục tăng cân ở các tháng tiếp theo. Nếu mẹ thấy bé vẫn không lên cân, hoặc lên dưới 500 g thì cần kiểm tra lại nguồn sữa của mình.

Tại sao mẹ ít sữa?

  • Cho uống kết hợp sữa mẹ và sữa công thức: Do sữa công thức đã cung cấp một phần năng lượng cho bé, nên bé không cần nhiều sữa mẹ. Bé càng ít bú mẹ, sữa mẹ càng ít được sản xuất ra.
  • Không cho bú thường xuyên: Trong những ngày đầu tiên, bé cần bú mỗi 2 giờ 1 lần. Nếu mẹ để thời gian giữa các lần bú kéo dài quá lâu, cơ thể sẽ không nhận được tín hiệu phải sản xuất thêm sữa, kết quả là mẹ đã ít sữa lại càng ít.
  • Thời gian cho bú quá ngắn: Ví dụ, bạn cho bé bú chỉ 5 phút mỗi bên ngực. Thời gian này không đủ để bé tiếp cận được đến lớp sữa đục có chứa nhiều chất béo và các chất dinh dưỡng cần thiết khác. Bé cũng không kịp làm cạn bầu ngực của mẹ. Chỉ khi ngực mẹ cạn sữa thì cơ thể mới phát tín hiệu để sản xuất thêm sữa.
  • Dùng núm vú giả: Bé sơ sinh thường có nhu cầu mút rất nhiều. Nhưng nếu ngậm núm vú giả thường xuyên, bé sẽ giảm cảm giác muốn mút khi bú mẹ, vì phản xạ mút của bé đã được núm vú giả thỏa mãn. Bé càng ít mút sữa, sữa càng ít được tiết ra.

Món quà dành cho người mẹ ít sữa

Công thức gọi sữa về: Trứng + Đường + Muối hấp cách thủy cùng nước rau muống

Lấy một môi nước rau muống luộc, một  thìa con đường và chút muối (vị sẽ hơi lờ lợ, không ngọt, không mặn), đập vào một quả trứng gà, khuấy đều lên, đem hấp cơm hoặc đun cách thuỷ rồi cho ăn. Bài này  có tác dụng bồi bổ  rất tốt, phụ nữ mới đẻ mỗi ngày làm một lần để ăn thì sẽ có nhiều sữa.

Lưu ý: phải dùng rau sạch không bị phun thuốc.

Cao Sơn

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.