Bản thân miệng đắng thông thường không phải là bệnh, nhưng nó có thể phản ánh một số vấn đề của hệ tiêu hóa và các nội tạng khác như gan, thận, dạ dày… Bác sĩ sẽ chú ý đến  những biểu hiện đi kèm để chẩn đoán bệnh.

Tế bào vị giác tại lưỡi giúp cơ thể có cảm nhận các vị chua, ngọt, đắng, mặn, cay. Khi chúng ta có cảm giác xuất hiện những mùi vị bất thường, hoặc không cảm giác thấy mùi vị mỗi khi nếm, thì có nghĩa cơ thể chúng ta đang có vấn đề.

1. Trào ngược dịch mật

Dịch mật là một chất lỏng màu xanh – vàng, được sản xuất tại gan và dữ trữ trong túi mật. Vai trò của dịch mật là để tiêu hóa chất béo và loại bỏ các tế bào hồng cầu đã chết cũng như một số độc tố ra khỏi cơ thể. Mật được đổ vào phần đầu ruột non cùng với các dịch tiêu hóa khác dưới sự kích thích của chất béo. Do một nguyên nhân nào đó, van môn vị (ngăn cách giữa dạ dày và ruột non) bị tổn thương, đóng không kín dẫn tới dịch mật trào ngược lên dạ dày và rồi từ đó trào ngược lên thực quản.

Image result for ợ nóng
Ợ nóng khó chịu (Ảnh: Internet)

Đắng miệng là biểu hiện đặc trưng của trào ngược dịch mật. Nó có thể đi kèm với một số biểu hiện khác như:

  • Thường xuyên ợ nóng.
  • Buồn nôn hoặc nôn ra chất lỏng màu xanh vàng.
  • Ho hay khàn giọng do dịch mật dâng lên và đốt niêm mạc cổ họng.
  • Giảm cân ngoài ý muốn.

2. Trào ngược dạ dày

Đắng miệng có thể là do trào ngược dạ dày thực quản, cần khám kỹ lưỡng để tránh bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn về sau. Đây là bệnh khá phổ biến hiện nay, tỷ lệ ngày càng gia tăng. Bệnh khá thường gặp nhưng nhiều trường hợp không được chẩn đoán đúng. Một số triệu chứng triệu chứng khác có thể là như đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng… dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý tim phổi, viêm họng. Có khi bệnh không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc đến khi có biến chứng thì mới phát hiện.

Trào ngược dạ dày thực quản dễ dẫn đến viêm loét thực quản, nếu nặng và kéo dài đưa đến hẹp thực quản. Viêm loét thực quản cũng có thể gây chảy máu. Bệnh diễn ra trong một thời gian lâu làm cho niêm mạc thực quản biến đổi tựa như niêm mạc ruột, gọi là Barrett thực quản. Barrett thực quản là tổn thương tiền ưng thư, có thể chuyển thành ung thư.

3. Sâu răng, nha chu

Viêm răng có thể kéo theo nhiều bệnh khác (Ảnh: Internet)

Các vấn đề răng miệng cũng có thể khiến cho miệng có cảm giác đắng, sâu răng, nha chu. Bệnh về răng miệng có thể đi kèm với nhiều bệnh khác: tiểu đường, viêm nội tâm mạc, Alzheimer… Do đó đây cũng là dịp nên chú trọng thêm đến vệ sinh răng miệng hàng ngày, đồng thời tiến hành khám răng định kỳ.

4. Suy giảm chức năng gan

Đắng miệng cũng còn gặp ở các trường hợp chức năng gan suy giảm do các bệnh lý về gan như viêm gan cấp và mạn tính, gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc các trường hợp gan phải làm việc quá tải trong thời gian dài.

Related image
Đắng miệng cảnh báo chức năng gan suy giảm (Ảnh: Internet)

Các dấu hiện suy giảm chức năng gan thường gặp là: tiêu hóa rối loạn, đi đại tiện nhiều lần và thường là ra phân lỏng, cơ thể mệt mỏi và cảm giác chán ăn. Màu da, màu mắt và móng tay chân thay đổi, trở nên sậm vàng; quầng thâm và mắt có dấu hiệu nhanh mỏi; hơi thở nặng mùi hơn bình thường; bệnh còn có thể gây rụng tóc, bạch sản móng tay móng chân, mất móng…

Mọi người thường hay phát hiện gan có vấn đề rất muộn, chỉ biết mình bị bệnh gan khi bệnh nặng và đi khám bác sĩ, lúc này bệnh có lẽ đã chuyển sang trầm trọng như ung thư gan.

5. Nguyên nhân khác

Đắng miệng có thể là kết quả của sốt, cảm thông thường, người có sức khỏe kém, người đang dùng thuốc tây, người mới ốm dậy… Nếu chỉ có biểu hiện đắng miệng và nhanh chóng qua đi thì thường không có vấn đề gì nghiêm trọng.

Nói chung, khi bị đắng miệng kéo dài và có những biểu hiện bất thường khác thì nhất định nên đi khám kỹ lưỡng để tầm soát bệnh, tránh để vấn đề kéo dài mà sinh trọng bệnh.

Minh Thành

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.