70% bệnh lý có thể được chẩn đoán nhờ việc lấy máu xét nghiệm. Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm quan trọng, không chỉ dành cho những người bệnh mà còn là xét nghiệm bắt buộc trong khám sức khỏe định kỳ, nó cung cấp các chỉ số giúp đánh giá tổng quan tình trạng sức khỏe, hỗ trợ chẩn đoán và phát hiện nhiều loại bệnh lý khác nhau.

1. Bệnh lý về máu

Xét nghiệm công thức máu: cho biết số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và các tế bào máu khác, qua đó để biết người khám có bị thiếu máu hoặc bị một số bệnh về máu hay không:

Kết quả cho thấy các chỉ số: hồng cầu từ 4,2 – 5,9 T/L; bạch cầu từ 4,3 – 10,8 G/L và tiểu cầu từ 150 – 400G/L thì người đó hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. Ngược lại, nếu kết quả cho thấy các chỉ số vượt mức hay thấp hơn tỷ lệ trên thì báo động cơ thể bạn đang gặp vấn đề nào đó.

Xét nghiệm máu nếu phát hiện sự biến đổi của tế bào hồng cầu, hemoglobin có thể cho thấy cơ thể đang gặp phải tình trạng thiếu máu, các bệnh liên quan đến máu hoặc tủy xương.

Nếu thấy số lượng bạch cầu tăng cảnh báo cơ thể không ổn định và có khả năng mắc một căn bệnh nhiễm trùng hay nguy hiểm hơn là một căn bệnh ác tính nào đó. Theo các nghiên cứu khoa học thì việc tăng giảm số lượng bạch cầu có liên hệ mật thiết đến tủy xương.

Khi xét nghiệm thấy tiểu cầu sụt giảm có thể cho thấy do bệnh lý giảm tiểu cầu hoặc bị chảy máu kéo dài. Còn trong trường hợp tiểu cầu tăng đột biến thì sẽ liên quan đến các bệnh viêm hoặc tủy xương.

Xét nghiệm máu trong sốt xuất huyết: giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị bệnh kịp thời.

Với những bệnh có tính chất di truyền: xét nghiệm máu cho kết quả khá chính xác

2. Bệnh về tiểu đường, mỡ máu, thận, tim mạch…:

ẢNh: alriyadh.com

Xét nghiệm đường máu: phát hiện bệnh tiểu đường

Xét nghiệm mỡ máu: bao gồm nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu, qua đó đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Xét nghiệm máu đánh giá rối loạn chuyển hóa lipid, các bệnh về thận, tim mạch…

3. Các bệnh về gan

Xét nghiệm viêm gan B trong máu: phát hiện bệnh viêm gan B.

Xét nghiệm viêm gan A, B, C, D, E… trong máu: chẩn đoán viêm gan.

Xét nghiệm máu giúp phát hiện các bệnh tăng men gan, xơ gan, ung thư gan…

4. Các bệnh truyền nhiễm

Ảnh: ViCare

Xét nghiệm máu có thể phát hiện được một số bệnh xã hội (bệnh lây qua đường tình dục) như HIV nhưng với các bệnh khác như lậu, giang mai, sùi mào gà… thì không phát hiện được mà phải làm những xét nghiệm đặc hiệu để có kết quả chẩn đoán chính xác hơn.

Ngoài ra còn có rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả xét nghiệm máu: thuốc thử quá nhạy, bệnh nhân dùng thuốc hay ăn uống trước khi xét nghiệm… nên bạn cũng cần lưu ý.

5. Bệnh của những đối tượng đặc biệt

Phụ nữ có thai: xét nghiệm máu không mang tính bắt buộc, nhưng nó lại cực kỳ quan trọng và cần thiết, nhất là vào 3 tháng đầu thai kỳ. Nhờ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về sức khỏe của mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi, đồng thời theo dõi những nguy cơ bất thường có thể xảy ra.

Trẻ sơ sinh: phần lớn các bệnh lý rối loạn nội tiết – chuyển hóa và di truyền trong thời kỳ sơ sinh hay một số năm đầu của trẻ thường chưa bộc lộ rõ ràng, rất khó phát hiện và chẩn đoán, điển hình như bệnh thiểu năng giáp bẩm sinh. Đến khi có dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm thì đã là giai đoạn muộn, không còn khả năng hồi phục hoàn toàn.

Do đó, lấy máu để làm xét nghiệm sàng lọc một số bệnh lý trẻ sơ sinh mắc phải sẽ giúp trẻ được điều trị sớm, không gây ảnh hưởng nặng nề đến chiều cao, cân nặng, trí tuệ của trẻ.

6. Nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, xét nghiệm máu còn giúp tầm soát và phát hiện sớm nhiều loại bệnh ung thư

Theo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, các dấu hiệu sinh học ung thư là các chất được tìm thấy trong máu, nước tiểu hay các loại mô của bệnh nhân, có thể giúp phát hiện và chẩn đoán một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để chẩn đoán bệnh ung thư nhất là khi bệnh ở thời kỳ sớm. Bởi có nhiều yếu tố tác động đến kết quả xét nghiệm phát hiện dấu hiệu sinh học ung thư như bệnh nhân hút thuốc lá nhiều, đang bị bệnh viêm nhiễm, đang có thai, đang dùng thuốc, kinh nguyệt, thậm chí có thể do trục trặc kỹ thuật của phòng xét nghiệm (thuốc thử nhạy quá)…..

Xét nghiệm giúp tầm soát và phát hiện sớm nhiều loại bệnh ung thư. (Ảnh: Gentis.com.vn)

Vì vậy, xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu sinh học ung thư chỉ là một biện pháp kỹ thuật bổ sung giúp các bác sĩ phát hiện sớm và theo dõi sự tiến triển của ung thư khi bệnh nhân đã và đang điều trị, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tốt hơn hết, bệnh nhân nên đến các bệnh viện uy tín, gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng như nội soi, siêu âm, MRI, X-quang, CT Scanner… giúp phát hiện bệnh sớm hoặc loại trừ không phải bị ung thư.

Qua những thông tin trên có thể thấy, việc xét nghiệm máu có thể phát hiện được nhiều bệnh nguy hiểm từ khi chưa phát bệnh, giúp phát hiện sớm và việc điều trị bệnh cũng nhanh chóng và ít tốn kém hơn. Do đó, hãy đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu 2 lần/năm là lời khuyên của các chuyên gia đối với mọi người.

BS. Thu Trang