Là một nước nông nghiệp, Việt Nam đang xuất khẩu rau quả đi nhiều nước trên thế giới, nhưng nghịch lý là hơn 90 triệu người dân tại Việt Nam lại đang phải vật lộn với cuộc chiến rau, quả sạch để có được bữa ăn sạch hàng ngày cho chính gia đình mình!

Các bà nội trợ lại một lần nữa thực sự lo lắng khi biết thông tin 1/3 mẫu rau được Cục An toàn Thực phẩm (ATTP) lấy ngẫu nhiên tại 6 chợ đầu mối của Hà Nội có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cũng công bố kết quả điều tra có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau bẩn và rau an toàn, còn 95%người mua rau thì không thể phân biệt. Nghiên cứu này cho thấy đây cũng là tình trạng chung trên cả nước.

Rau quả bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ cóc, chợ vỉa hè, gánh hàng rong mà nguy hiểm hơn là rau bẩn còn được tuồn vào các siêu thị, các cửa hàng bán rau sạch, rau an toàn và cuối cùng khiến người mua không còn tin tưởng các sản phẩm nông sản tại cửa hàng rau sạch nữa.

Rau quả bẩn từ đâu

Người trồng rau vì lợi nhuận nên không ngần ngại dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, chất kích thích để rau phát triển mạnh, lá xanh mướt, rút ngắn thời gian thu hoạch. Họ bỏ qua thời gian cách ly bắt buộc đối với rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích. Hậu quả của việc này khiến không chỉ người trồng rau gánh chịu (do tiếp xúc quá nhiều với hóa chất) mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng khác.

Trong trồng rau, nông dân quen lạm dụng phân bón hóa học cho rau, nhất là bón đạm (nitrat), lân, kali… với liều lượng quá lớn so với giới hạn cho phép theo quy định, hoặc có tình trạng còn sử dụng phân tươi để bón rau xanh.

Nguy hiểm hơn là môi trường đất, nguồn nước để trồng rau hiện nay đang bị quá bẩn, các mương cung cấp nước tại các cánh đồng rau ô nhiễm nặng , chứa nhiều hỗn tạp hóa chất, thuốc trừ sâu, thậm chí rau trồng ngay trên nguồn nước ô nhiễm, gần các nhà máy hóa chất, nhà máy dệt nhuộm, nhà máy chế biến thủy sản.

Trong quá trình buôn bán thì rau quả được phun, ngâm các loại hóa chất để nhanh chín, để bảo quản được lâu hơn, để tạo màu sắc, hình thức đẹp nhưng rất độc hại. Ví dụ như chuyện ép sầu riêng chín sớm, ngâm chuối, đu đủ, cà chua bằng hóa chất, ngâm chôm chôm bằng hóa chất…Rất nhiều loại rau quả được cơ quan chức năng cảnh báo có hàm lượng tồn dư hóa chất nguy hiểm đang được bày bán tràn lan kể cả ở trong siêu thị.

Công bố mới đây của Cục ATTP (Bộ Y tế) cho thấy, trong số 120 mẫu rau được cơ quan này giám sát có tới 40 mẫu có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Ông Lâm Quốc Hùng – Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP cho biết, vừa qua, cơ quan này đã lấy nhiều mẫu rau tại 150 quầy kinh doanh ở 6 chợ đầu mối tại Hà Nội để phân tích, bao gồm chợ Dịch Vọng Hậu, Minh Khai, La Khê, Long Biên, chợ đầu mối Đền Lừ, chợ đêm Hợp tác xã Văn Quán. Kết quả cho thấy, 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ, gây độc với con người) vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,83%); 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián, có hại với sức khỏe con người); có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%).

Cũng theo ông Hùng, trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi.

Người nông dân quen lạm dụng phân bón hóa học cho rau. (Ảnh: internet)
Người nông dân lạm dụng phân bón hóa học cho rau, vượt giới hạn cho phép. (Ảnh minh hoạ, ảnh internet)

Tác hại khó lường cho sức khỏe chúng ta

Người tiêu dùng khi sử dụng phải những loại rau, củ nhiễm hóa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép có thể khiến cơ thể ngộ độc tức thời hoặc tích tụ trong cơ thể gây rối loạn thần kinh trung ương, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể tử vong. Đó còn chưa kể, việc sử dụng rau, củ nhiễm hóa chất sẽ rất nguy hiểm với các nhóm đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người mới ốm dậy, người mắc các bệnh mạn tính…

Bộ NN&PTNT có quy định bón phân, phun thuốc vào thời điểm nào và thời gian thu hoạch nhưng vì lợi nhuận, không phải người trồng rau nào cũng thực hiện được. Hiện nhiều nước trên thế giới quy định rõ ràng nồng độ, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong rau củ quả ở mức nào đó, khi cơ quan chức năng lấy mẫu bất kỳ, nếu vượt mức cho phép, chính quyền khu vực đó sẽ xử phạt rất nặng hoặc cấm sản xuất. Với chế tài nghiêm như vậy nên cả người sản xuất và hộ kinh doanh đều không dám làm trái quy định, nhưng hiện nước ta chưa làm tốt việc này, nên người dân chưa nghiêm túc thực hiện. Vì vậy, đảm bảo ATTP vẫn còn là mối lo dài.

Cách chọn rau an toàn

Rau bẩn đang lan tràn trên thị trường khiến người tiêu dùng loay hoay không nhận biết được đâu là rau sạch, đâu là rau nhiễm hóa chất. Hướng dẫn cách chọn rau an toàn, ông Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP khuyến cáo, người dân nên sử dụng các loại rau phù hợp theo mùa, hạn chế ăn rau, củ trái mùa. Nên chọn rau tươi, không dập nát, không có mùi lạ, căn cứ vào màu sắc của rau, như rau ngót, nếu rau xanh mơn mởn, mùi của rau không còn thơm, nồng và không có độ nhớt dính tay thì chứng tỏ rau có vấn đề.

Hay như cà chua, người dân nên chọn quả có chỗ vàng chỗ đỏ vì như vậy là cà chua được chín tự nhiên. Bên cạnh đó, để bớt rủi ro, người dân nên mua tại các cửa hàng rau an toàn, các cơ sở cung cấp rau theo hợp đồng hoặc các quầy bán rau cố định có cam kết bảo đảm an toàn; tại cửa hàng đã có kiểm tra của các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau sạch an toàn.

Khi chế biến rau, nên rửa rau dưới vòi nước sạch nhiều lần, như vậy sẽ bào mòn, tẩy rửa những tồn dư hóa chất bám vào bề mặt rau. Sau đó ngâm rau củ bằng nước sạch pha chút muối loãng nhằm làm bão hòa lượng hóa chất (nếu có) còn tồn dư trong rau củ.

(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)

Còn theo ông Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, hiện thói quen ăn rau của người Việt Nam không tốt khi đa phần rau đã được nấu chín, khi đó chất dinh dưỡng trong rau xanh không còn đáng là bao. “Trong khi lượng chất dinh dưỡng trong rau sống cao gấp 10 lần rau đã qua chế biến, nhưng trong điều kiện vệ sinh môi trường, nguồn nước, nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nặng, việc ăn rau sống thay rau đã qua chế biến sẽ khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu gia đình nào có điều kiện trồng rau sạch thì nên thường xuyên sử dụng rau sống” – ông Thịnh nói.

Thành Tâm

Xem thêm: