Khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc, bệnh viện Thống Nhất (Tp.HCM) đã cứu sống bệnh nhân H.X.H. (20 tuổi, Đồng Nai) uống thuốc ngủ seduxen liều cao để tự tử.

TS. BS Hoàng Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc bệnh viện Thống Nhất, trao đổi với Tiền Phong, do làm ăn thua lỗ, anh H. “nung nấu” ý định tự tử.

Trước đó, ngày 10/5, bệnh nhân H. đã uống 10 viên thuốc seduxen và được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu.

Đến ngày 15/5, anh H. tiếp tục đặt mua 40 viên seduxen trên mạng với giá gần 2 triệu đồng và giao đến tận nhà để tự tử.

Phát hiện H. lại uống thuốc ngủ, người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Các bác sĩ đã rửa dạ dày – ruột và dùng thuốc đẩy lượng thuốc ngủ còn lại ra ngoài. Hiện, sức khỏe của bệnh nhân H. đã ổn định.

Làm ăn thua lỗ, nam thanh niên ở Đồng Nai mua thuốc ngủ trên mạng để tự tử
Bệnh nhân H.X.H. tại bệnh viện Thống Nhất ngày 17/5. (Ảnh: Tiền Phong)

BS Quang cho biết thêm, thuốc ngủ được chia làm nhiều nhóm, trong đó nhóm thuốc ức chế ba vòng (benzodiazepine) là độc nhất, có thể gây tử vong. Sesuden là biệt dược của nhóm thuốc này, thường dùng cho các bệnh nhân bị bệnh tâm lý, thần kinh…

Đây vốn là loại thuốc được Bộ Y tế quản lý nghiêm ngặt, khó mua bán ngoài thị trường. Tuy nhiên, nam thanh niên vẫn có thể đặt dễ dàng mua loại thuốc này trên mạng, cho thấy lỗ hổng trong quản lý. Nếu loại thuốc này tuồn ra ngoài, sử dụng tràn lan gây nguy hiểm tính mạng người sử dụng.

Làm ăn thua lỗ, nam thanh niên ở Đồng Nai mua thuốc ngủ trên mạng để tự tử
Thuốc ngủ seduxen được chào bán công khai mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Sơ cứu khi ngộ độc thuốc ngủ

– Biểu hiện: Hơi thở có mùi thuốc, ngạt thở, ngứa họng, mũi; tim đập nhanh, không đều, ngắt quãng; nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, co giật, mê sảng; nôn mửa…

– Cách xử lý:

  • Khi phát hiện nạn nhân ngừng tim, ngừng thở, phải phục hồi chức năng bằng cách hô hấp nhân tạo.
  • Loại bỏ chất độc bằng cách gây nôn (chỉ áp dụng đối với người ngộ độc thuốc): Móc họng, đè gốc lưỡi; hòa nước muối thật đậm cho uống để gây phản xạ nôn…
  • Khi nạn nhân bị hôn mê, cần đặt ở tư thế nằm đầu thấp và nghiêng một bên để tránh tình trạng hít sặc các chất nôn. Không được gây nôn trong trường hợp nạn nhân bị co giật, người suy tim nặng, phụ nữ mang thai quá to.
  • Chú ý thông tin thuốc nạn nhân đã uống và chuyển tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

H.H