Các danh y cổ đại thời xưa rất nhiều người không những tinh thông y học mà đối với các khoa học khác họ cũng có trình độ cao. Từ Đại Xuân “徐大椿” thời nhà Thanh chính là một trong những người kiệt xuất đó. Ngoài y học ông còn am hiểu văn học, triết học, âm nhạc, thư pháp, hội họa và công trình thủy lợi.

Từ Đại Xuân (1693 – 1771) nguyên tên là Đại Nghiệp, tự Linh Thai, về già đổi hiệu thành Hồi Khê lão nhân. Ông người Ngô Giang nay là thị trấn Tùng Lăng, huyện Ngô Giang tỉnh Giang Tô. Từ nhỏ đã ham thích các loại cổ thư như “Kinh dịch”, “Đạo đức kinh” và có thể ghi nhớ rất nhiều danh ngôn trong đó. Đỗ Tú tài năm 20 tuổi nhưng không thích chế độ khoa cử và xem thường công danh lợi lộc nên ông chọn học ngành y. Ông tinh thông y thuật cổ nhưng biết vận dụng linh hoạt các phương pháp chữa bệnh, tùy người tùy bệnh mà sáng tạo ra những phương pháp trị liệu nên đạt được hiệu quả cao. Những câu chuyện trong những năm hành nghề dưới đây của ông đã nói lên điều đó.

Từ Đại Xuân. (Ảnh: zhzyw.com)

Câu chuyện thứ nhất

Chuyện rằng, có sản phụ nọ sinh được một bé trai không có da, nhìn rất đáng sợ. Mọi người xung quanh đều nghĩ bé là quái thai nên xì xào bàn tán, còn gia đình cũng lo lắng sợ hãi định vứt bỏ con. Sau khi hay tin, ông lập tức đến nhà sản phụ khuyên can gia đình đừng vứt đứa bé để ông tìm cách chữa trị. Sản phụ nọ thương con thắt ruột, đang cơn cùng quẫn không biết làm sao nghe được lời khuyên của ông thì mừng rỡ quỳ xuống cảm tạ. Từ Linh Thai bảo người nhà lấy cho ông bột gạo nếp rắc đều lên mình đứa bé, dùng khăn bông quấn lại rồi đem vùi vào đất mịn từ ngực trở xuống. Làm xong ông nói với sản phụ: “Hằng ngày bà vẫn cho bé bú bình thường, vài ngày nữa da sẽ mọc lên”. Gia đình sản phụ vừa tin vừa hoài nghi, e rằng con mình sẽ không sống được. Nhưng kỳ tích đã xuất hiện như lời ông nói, mấy ngày sau đó da của bé dần dần mọc lên và bé khỏe mạnh bình thường.

Câu chuyện thứ hai

Một hôm, khi ông vừa tới Thái Hồ thăm bệnh cho bạn là Triệu Tử Vân bị chứng kiết lỵ, thì thiếu phu nhân nhà hàng xóm qua đời, người nhà đang chuẩn bị đi mua quan tài. Nghe tin ông đến, họ bèn lập tức tới nhờ ông thăm khám xem có thể cứu được nữa không. Ông thăm khám và không bắt được mạch, nhưng thấy vùng tạng tâm vẫn còn ấm, da dẻ thiếu phụ nọ vẫn hồng hào. Ông phán đoán bệnh nhân bị “Thử tà bế tắc chư khiếu” nghĩa là thử tà làm tắc các khiếu bên trong cơ thể, chứ chưa hoàn toàn tử vong. Bắt mạch xong liền kê một đơn thuốc thanh nhiệt thông khiếu cho bệnh nhân rồi ra về. Mấy ngày sau con trai bạn ông tới thăm và kể, thiếu phu nhân nhà hàng xóm uống hết thang thuốc đầu tiên ông kê thì có thể nói chuyện, hết thang thuốc thứ hai có thể cử động ngồi dậy và hết thang thuốc thứ ba thì hoàn toàn khỏi bệnh.

Câu chuyện thứ ba

(Ảnh minh hoạ: pinterest.com)

Một lần nọ, khi Từ Đại Xuân đang ở nhà một người họ hàng, lão phu nhân trong nhà hoảng hốt chạy tới vừa khóc vừa nói: “Con tôi thế là không cứu được nữa rồi”. Ông hỏi nguyên nhân và được biết, cháu dâu nhà họ có dấu hiệu chuyển dạ nhưng đã qua hai ngày không sinh được, bà đỡ cũng từ chối. Thấy vậy, ông bèn chạy tới thăm khám thì phát hiện nước ối đã cạn, sản phụ mệt mỏi không nói được nhưng bà đỡ vẫn ép sản phụ gồng sức sinh bé. Ông nói với người nhà: Đừng sợ, đây chỉ là dọa sinh chứ chưa sinh thật, không cần cố gắng ép cô ấy làm gì. Nói rồi bảo người đỡ sản phụ nằm lên giường rồi kê thang thuốc an thai. Lại dặn dò với sản phụ: “Một tháng nữa cô mới sinh con, lần này là sinh con trai và rất dễ dàng”.

Bà đỡ nghe thấy ông nói thì cười nhạo, dựa vào kinh nghiệm đỡ đẻ mấy chục năm của bà thì ca này không thể sinh được. Người nhà bán tín bán nghi nhưng vẫn sắc thuốc cho sản phụ uống. Khi uống vào thì bào thai yên ổn, không có các dấu hiệu dọa sinh. Đúng như Từ Đại Xuân dự đoán một tháng sau sản phụ sinh bé trai khỏe mạnh dễ dàng. Người nhà mừng rỡ tới cảm ơn ông và nhờ ông giải thích, ông nói: “Khi mẹ bị phong hàn mệt mỏi, mà thai nhi quá khỏe mạnh sẽ thúc xuống nhanh giống như muốn chui ra, chỉ cần dùng thuốc an thai là được. Người không biết lại cứ ép sinh non dẫn tới vỡ ối gây mất an toàn cho thai nhi. Tôi bắt mạch thấy mạch rất vượng, thai lại chưa đủ tuần chắc chắn chưa thể sinh. Nhưng vì cố ép sinh dẫn tới động thai, cần uống thuốc dưỡng. Lại thấy mạch bên trái rất vượng nên tin chắc đó là con trai. Những điều này rất đơn giản rõ ràng, chỉ là người ngoài nghề không hiểu thôi.”

Hành nghề y 50 năm ông có biên soạn rất nhiều bộ sách về y học như: Nan kinh kinh thích, Thần nông bản thảo kinh bách chủng lục… tư tưởng y học của ông là ‘tôn kinh, phục cổ’, nói căn cứ vào sách của thánh y, trị bệnh cần tuân theo pháp xưa. Ông nhận xét, người học y phải từ nguồn đến ngọn, trên theo căn bản của Linh Khu, Tố Vấn; dưới trị theo dòng phái Hán, Đường. Đồng thời không ngại phê bình chỗ hay dở của tiền nhân, dựa vào kinh nghiệm thực chứng của mình mà biện luận có căn cứ, được người đời sau tôn là nhà bình luận y học đời Thanh. Tiếng tăm y học của ông truyền khắp vùng Ngô Giang, người gần xa đến xin chẩn mạch rất đông và được triều đình mời về kinh chữa bệnh hai lần.

Hành nghề y 50 năm ông có biên soạn rất nhiều bộ sách về y học. (Ảnh: xuehua.us)

Niên hiệu Càn Long năm thứ 24 (1759) quan Đại học sĩ Tưởng Phổ lâm bệnh, vua Thanh Cao Tông ra lệnh thỉnh mời danh y trong thiên hạ đến chữa trị: ông được tiến cử đến kinh đô. Ông chẩn mạch xong, nói thẳng là bệnh không thể trị được. Vua khen ông cương trực, giữ ông ở lại Thái Y viện. Ông cáo từ về quê ẩn cư ở Hồi Khê, lấy hiệu là Hồi Khê lão nhân. 12 năm sau, triều đình lại mời ông vào kinh. Lúc ấy ông đã 78 tuổi, trong mình đang có bệnh, tự biết lần đi này ắt khó sống mà về, bèn bảo con đem quan tài theo. Quả nhiên, ông qua đời sau khi tới kinh đô ba ngày và được con trai đem về táng tại Tân Thiên ở đập Điệp Tự khe suối Việt Lai (nay là huyện Ngô Giang tỉnh Giang Tô). 

Kiên Định
Theo zhengjian.org