Có nhiều nghiên cứu y khoa về tác dụng của hương liệu pháp lên triệu chứng rối loạn giấc ngủ đã mang đến những kết luận thú vị và đầy thuyết phục.

Hương liệu pháp là cách gọi khác của liệu pháp hương thơm. Đây là phương pháp dùng mùi hương để chăm sóc cơ thể. Hương thơm thường dùng là các dạng tinh dầu thực vật có mùi dễ chịu như tinh dầu sả, hoa hồng, bạch đàn, hoa oải hương, bạc hà… Chúng được sử dụng dưới dạng hít trực tiếp, xông lan tỏa khắp phòng hoặc xoa bóp lên da. Hương liệu pháp mang đến sự thư giãn, khỏe khoắn, giảm mệt mỏi, lo âu và cải thiện rối loạn giấc ngủ.

Tinh dầu thực vật là nguyên liệu chính trong hương liệu pháp. (Ảnh: tindauv.com)

Đối với bệnh nhân tim mạch thì rối loạn giấc ngủ, lo lắng là một trong những vấn đề thường gặp khi nhập viện vào khoa cấp cứu tim mạch. Những rối loạn xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của giấc ngủ: từ giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh, giấc ngủ sâu cho đến rối loạn giấc ngủ lúc thức giấc và rối loạn giấc ngủ sinh học cả đêm. Mất ngủ kéo dài cũng là một trong những yếu tố kích thích khởi phát các cơn đau tim do tăng hoạt động hệ giao cảm. Với bệnh nhân tim mạch ở khoa cấp cứu, rối loạn giấc ngủ xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như các loại thuốc điều trị, không quen thuộc chỗ ngủ, âm thanh phát ra từ các loại máy móc theo dõi (monitor)…

Bệnh nhân tim mạch thường gặp các vấn đề giấc ngủ. (Ảnh: Zdrav.Expert)

Ngày nay, phương pháp thường được lựa chọn để điều trị rối loạn giấc ngủ là thuốc. Tuy nhiên các loại thuốc tác động lên hệ thần kinh để có giấc ngủ sinh học tự nhiên thì lại kèm theo nhiều tác dụng phụ. Do vậy những phương pháp chăm sóc điều dưỡng từ thiên nhiên được xem là lựa chọn an toàn hơn cho bệnh nhân. Dưới đây là một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng được thực hiện bởi Moen tại hai Bệnh viện Al-zahra và Chamran (Iran):

Nghiên cứu đã được thực hiện trên 64 bệnh nhân tim mạch nhập viện tại khoa hồi sức cấp cứu và khoa cấp cứu tim mạch. Bệnh nhân có cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim và không dùng bất cứ loại thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ nào. Những người này được theo dõi 3 đêm, mỗi đêm 9 giờ với tinh dầu hoa oải hương. Nhóm đối chứng gồm những người không sử dụng hương liệu pháp. Hai nhóm bệnh nhân không có sự khác biệt đáng kể về tuổi, giới tính, bệnh nền và chỉ số rối loạn giấc ngủ.

Nghiên cứu thừ nghiệm lâm sàng trên những bệnh nhân tim mạch. (Ảnh: Shop Lavender)

Thực hiện liệu pháp lúc 20 giờ, bằng cách sử dụng 2 giọt tinh dầu hoa oải hương, thấm vào 1 miếng gạc – cotton pad – để trong một chiếc hộp nhỏ mở nắp, cách gối bệnh nhân 20cm. Kết quả cho thấy hương liệu pháp trên nhóm bệnh nhân thử nghiệm có hiệu quả cải thiện các rối loạn giấc ngủ tốt hơn so với nhóm đối chứng, nhất là đối với các bệnh nhân có cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.

Hương liệu pháp giúp nhóm chứng cải thiện giấc ngủ tốt. (Ảnh: stopillness.ru)

Bên cạnh nghiên cứu này, có một nghiên cứu tại Hàn Quốc do Lee và cộng sự cho thấy tinh dầu hoa oải hương có tác dụng rõ rệt lên chứng mất ngủ của các sinh viên. Lewith và cộng sự cũng khẳng định tinh dầu hoa oải hương giúp cải thiện giấc ngủ cho các bệnh nhân bị mất ngủ mạn tính.

Với các kết quả nghiên cứu trên, việc áp dụng liệu pháp hương thơm trên bệnh nhân tim mạch tại nhà hoàn toàn có thể thực hiện được với hiệu quả cải thiện rối loạn giấc ngủ. Hơn nữa, phương pháp này cũng có thể áp dụng cho những đối tượng khác có rối loạn giấc ngủ mà không có vấn đề tim mạch.

BS Lê Lan

Nguồn:

1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3203283/

2. Lee IS, Lee GJ. Effects of lavender aromatherapy on insomnia and depression in women college students. Taehan Kanho Hakhoe Chi. 2006;36(1):136–43. [PubMed]

3. Lewith GT, Godfrey AD, Prescott P. A single-blinded, randomized pilot study evaluating the aroma of Lavandula augustifolia as a treatment for mild insomnia. J Altern Complement Med. 2005;11(4):631–7.[PubMed]