Vùng phản xạ tựa như cơ quan đại diện “nước ngoài” của các bộ phận bên trong, bao gồm những phần ẩn sâu dưới não như tuyến tùng, tuyến yên. Khi day ấn các vùng ở chân có cảm giác đau nhói là tương ứng bên trong đang bị suy yếu và có bệnh.

Theo bác sỹ Đông y Tào Nhã Huệ viện trưởng Bệnh viện Y học cổ truyền Hợp Thành – Thổ Thành Đài Bắc, đầu ngón chân là “hàn thử biểu” báo hiệu tình trạng sức khỏe của cơ thể. Có thể dựa vào mỗi đầu ngón chân chạm đất (tức là thường được ma sát day ấn khi đi) ít nhiều để biết nơi nào trên cơ thể yếu kém. Khi ngón cái chạm đất ít là chức năng gan kém, khi ngón thứ hai, thứ ba chạm đất ít là chức năng ruột, dạ dày kém, ngón thứ tư chạm đất ít là chức năng hô hấp kém, ngón út – là chức năng thận kém.

Gót chân nhức mỏi là hiện tượng năng lượng sản xuất ra không đủ và là vùng phản xạ của cơ quan sinh dục. Cách đi bộ mà trọng tâm rơi vào gót chân có thể làm cho bệnh tình thay đổi xấu đi, nhưng nếu trọng tâm rơi về phía trước thì lại có thể giúp cho bệnh chóng khỏi. Vì khi đó các đầu ngón chân được “ấn mạnh” hơn.

Theo Đông y, cơ thể người có tứ căn: Nhãn căn, Tị căn, Nhũ căn, Cước căn, trong đó căn cuối cùng ở chân có tầm quan trọng đặc biệt.

Cổ nhân thường dạy, ‘Nhân lão cước tiên suy, mộc khô căn tiên kiệt’ nghĩa là: Khi ta già đi chân suy yếu trước tiên, một cái cây bị khô héo rễ bị cạn kiệt trước tiên. Tuy nhiên trong sinh hoạt hằng ngày đôi khi chúng ta lại dễ bỏ qua việc chăm sóc bảo vệ nó.

Khi bóp vào phần gót chân cảm thấy đau đó là “báo động” một cơ thể mệt mỏi, hay cơ thể thiếu năng lượng thường xuyên, hoặc bộ phận gan đang trong giai đoạn suy nhược khá trầm trọng. Ngoài ra bệnh trĩ cũng có quan hệ tới gót chân.

Khi mặt trong của gót chân có những vết chai hay mụn cơm thì chắc chắn có ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục, kinh nguyệt bất thường, khả năng tình dục của nam giới suy giảm.

Theo ông Uông Thế Phong chuyên gia dưỡng sinh day ấn huyệt tới từ Hiệp hội dưỡng sinh thành phố Đài Bắc, chân là lăng kính phản chiếu sức khỏe của mỗi người, lòng bàn chân có vùng phản xạ đối ứng với các cơ quan và bộ phận của cơ thể. Nếu một bộ phận nào đó bị bệnh hoặc ‘quá vất vả’ đều sẽ biểu hiện tới phần đối ứng ở lòng bàn chân. Những biểu hiện này không nhất định là đau, còn có thể xuất hiện các biểu hiện như tắc nghẽn, điểm đau, nổi cục… Qua việc day bấm lòng bàn chân, có thể điều chỉnh và cải thiện tình trạng. Vậy thao tác và thực hiện như thế nào?

Các bước chuẩn bị

Trước khi thực hiện cần tắm hoặc ngâm chân bằng nước nóng, sau đó thoa một ít kem dưỡng da để bôi trơn. Ngâm chân để làm sạch và khử trùng, đồng thời gia tăng lưu thông máu, làm các cơ bắp cứng lại, tránh chấn thương cơ bắp, và đạt được hiệu quả day bấm tốt hơn.

Day bấm lên những vùng phản xạ nơi bàn chân giúp năng lượng trong cơ thể chu chuyển một cách thuận lợi, không bị bế tắc hoặc trì trệ. (Ảnh: juweixin.com)

3 điều chú ý khi day bấm

1. Chậm: Khi thực hiện thao tác cần chậm rãi, không nôn nóng.

2. Thâm nhập sâu hơn: Nhẹ nhàng thâm nhập sâu vào vùng phản xạ và xoa bóp cho đến khi có cảm giác đau nhói mới đạt được hiệu quả dẫn truyền thần kinh.

3. Cùng phương hướng: Thông thường từ trên xuống dưới, luôn luôn đẩy theo một hướng duy nhất, tránh đẩy khứ hồi.

Vị trí và tác dụng cả các vùng phản xạ

Vùng phản xạ ở lòng bàn chân kỳ thực là khu vực từ lòng bàn chân tới bắp chân. Có những khu vực tự day bấm tác động hằng ngày có thể cải thiện sức khỏe và giảm đau. Dưới đây là một vài khu vực phản xạ quan trọng và công dụng của từng khu vực.

1. Vùng phản xạ đầu

Vùng phản xạ tuyến yên (cải thiện nội tiết): Nằm ở giữa ngón chân cái, là nơi kiểm soát nội tiết của cơ thể. Khi rối loạn nội tiết có thể day bấm vị trí này để điều tiết sẽ đạt hiệu quả. Nhẹ nhàng ấn sâu vào bắp thịt, khi cảm thấy như kim đâm và hơi đau là đạt hiệu quả tốt nhất.

Vùng phản xạ mắt (bảo vệ mắt): Nằm ở ngón chân thứ hai và ngón thứ ba. Cuộc sống hiện đại làm ta đang sử dụng mắt quá nhiều, massage vị trí này giúp bảo vệ mắt hiệu quả. Khi xoa bóp, sử dụng đầu ngón tay đẩy nhẹ nhàng là được. Nếu thấy mỏi mắt, hãy dùng đầu ngón tay ấn nhẹ sau đó tăng dần để đạt hiệu quả trị liệu.

2. Vùng phản xạ lồng ngực

Vùng phản xạ phổi (nuôi dưỡng phổi): Có hình dáng giống như sợi dây đai vị trí ở giữa ngón chân thứ hai và ngón chân thứ năm. Ấn và xoa nhẹ từ trên xuống dưới, có thể tăng cường sức khỏe của phổi và phế quản.

Sơ đồ các vùng phản xạ tương ứng với các cơ quan trong cơ thể. (Ảnh: soha.vn)

3. Vùng phản xạ bụng

* Vùng phản xạ dạ dày, tuyến tụy và tá tràng (tiêu trừ chướng bụng): Nằm ở vòm bàn chân phần vòng cung của chân. Dùng ngón tay nhẹ nhàng xoa từ trên xuống dưới dọc theo phần vòng cung này có thể làm giảm trừ các triệu chứng đầy hơi và khó tiêu.

* Vùng phản xạ ruột (làm giảm triệu chứng táo bón): Nằm ở lòng bàn chân. Nắm bàn tay dùng khớp ngón đấm bóp kích thích vào vị trí này để tăng sự co bóp và thúc đẩy nhu động đường ruột, từ đó giúp thuyên giảm triệu chứng táo bón.

* Vùng phản xạ của Thận, ống dẫn niệu, bàng quang (tiêu tan phù thũng): Ấn vào khu vực này có thể giúp chuyển hóa nước, giảm triệu chứng phù nề, thải độc tố và chất thải. Trước tiên cần massage vùng phản xạ thận từ 3 đến 5 lần, sau đó di chuyển tới vùng phản xạ bàng quang và ấn ép, rồi lại từ từ kéo di chuyển tới vị trí gót chân Achilles.

4. Vùng phản xạ khoang chậu

* Vùng phản xạ tuyến sinh dục (điều hòa hormone): Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, phụ nữ mang thai và những người mất cân bằng nội tiết có thể xoa bóp khu vực này để tăng cường chăm sóc sức khỏe.

Ngoài lòng bàn chân, khu vực phản xạ còn kéo dài đến mu bàn chân, mặt trong, mặt ngoài và bắp chân:

5. Vùng phản xạ mu bàn chân

* Vùng phản xạ của phần mặt (Dưỡng nhan): Vị trí ở móng chân cái của mu bàn chân, tác động vào đây có thể hỗ trợ giúp dưỡng nhan và đẹp da.

* Vùng phản xạ vú (Tăng sản xuất sữa): Massage hướng lên trên giữa xương ngón chân thứ hai và thứ ba rất hữu ích cho phụ nữ để tăng tiết sữa sau khi sinh con.

* Vùng phản xạ ở trong tai (Giảm chóng mặt): Nằm ở kẽ ngón chân thứ tư, những người dễ bị chóng mặt, say tàu xe và mất thăng bằng có thể xoa vào vị trí này để làm dịu nhẹ.

Vùng phản xạ của phần mặt ở trên móng chân cái, ấn day vào vị trí này có thể dưỡng nhan, làm đẹp (Ảnh: epochtimes.com)

* Vùng phản xạ của cơ hoành (Giảm căng tức ngực): Vị trí nằm ngang mu bàn chân. Phụ nữ mang giày cao gót trong một thời gian dài đôi khi sẽ bị tức ngực và ngủ ngáy, nguyên nhân do khi bàn chân bị cong sẽ chèn ép vào cơ hoành. Massage vào vị trí này có thể làm giảm các triệu chứng hiệu quả.

* Vùng phản xạ tuyến Bạch huyết (tăng cường miễn dịch): Chỗ lõm xuống ở cả hai bên mắt cá chân là vùng phản xạ của tuyến Bạch huyết. Massage vị trí này có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật. Cong chân lên dùng ngón tay cái xoa nhẹ vòng tròn để đạt hiệu quả.

6. Vùng phản xạ mặt trong bàn chân

Vùng phản xạ bên trong bàn chân tương ứng với cột sống và hệ thần kinh của chúng ta. Khi massage dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng di chuyển xuống từ mép dưới của kẽ hở xương.

7. Vùng phản xạ mặt ngoài bàn chân

Khu vực này phản ánh tình trạng của tứ chi, vai, khuỷu tay và đầu gối của cơ thể. Có thể massage nhẹ nhàng để chăm sóc sức khỏe.

* Vùng phản xạ đầu gối (chống lão hóa đầu gối): Massage vùng phản xạ đầu gối để giúp giảm đau đầu gối và ngăn ngừa lão hóa khớp gối. Đây là một nơi tương đối sâu, nên khi thực hiện cần ấn mạnh và sâu vào trong.

8. Vùng phản xạ ở bắp chân

Vùng phản xạ thần kinh tọa (cải thiện đau thần kinh tọa): Nằm ở mặt trong xương ống chân và xương mác bên ngoài. Ấn day khu vực này có thể cải thiện vấn đề đau thần kinh tọa. Phương pháp là từ từ xoa bóp đầu gối dọc theo xương và các cơ bên cạnh bắp chân.

Theo The epochtimes
Kiên Định biên dịch