Những ngày hè oi ả đã đến, bạn sẽ có thể muốn đi dã ngoại, tắm biển… Vậy nên để da phơi nắng là điều không thể tránh, nhưng làm thế nào để tránh được cháy sạm, thậm chí là nguy cơ ung thư da?

Cháy nắng hay bỏng nắng, là hiện tượng da bị tổn thương do tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời, hoặc tiếp xúc trong khoảng thời gian tập trung nhiều tia cực tím nhất. Da bị cháy nắng có thể mẩn đỏ, đau rát và sưng tấy như bị bỏng nhẹ. Sau 2 – 3 ngày, vùng da bị cháy nắng sẽ bong tróc, sạm đen hoặc thúc đẩy quá trình lão hóa da của bạn.

Da cháy nắng mẩn đó, đau rát và sưng tấy (Ảnh minh họa: thanhnien.vn)

Trong ánh nắng mặt trời có chứa tới 3 tia tử ngoại là UVA, UVB và UVC. Trong đó, tia UVC có bước sóng ngắn nhất nên đã bị tầng Ozone cản lại bên ngoài. Còn tia UVA và UVB có khả năng chạm đến chúng ta. Cơ thể con người có tồn tại các hắc sắc tố tên là melanin. Khi da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời thì melanin sẽ hấp thụ tia UVA để bảo vệ làn da của bạn. Càng tiếp xúc với nắng thì làn da bạn càng đen sạm.

Hậu quả của làn da bị cháy nắng

Khi làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời điểm tia cực tím tập trung mạnh nhất (khoảng từ 10 giờ đến 15 giờ), làn da không kịp sản xuất melanin để chống lại tia cực tím, dẫn đến hiện tượng da chuyển sang màu đỏ, nóng rát và khó chịu. Sau một vài ngày, cơ chế sản xuất melanin dưới da bị kích thích hoạt động mạnh hơn, sản xuất hắc sắc tố melanin nhiều hơn. Và đó chính là nguyên nhân khiến da bạn sạm đen.

Ảnh minh họa: hellobacsi.com

Bỏng nắng không chỉ khiến làn da của bạn sạm đen, mà nó còn khiến quá trình lão hóa da nhanh hơn, nhiều tế bào chết và thô ráp. Hơn nữa, da bạn sẽ xuất hiện thêm nếp nhăn, nám, tàn nhang và đồi mồi.

Một số trường hợp bỏng nắng còn khiến cơ thể bị sốt cao, mệt mỏi, da bong tróc, đau rát, khó chịu, thậm chí là dẫn tới ung thư da.Theo nhiều nghiên cứu khoa học, nếu da bị cháy nắng lâu ngày hoặc bị cháy nắng tới 5 lần trước 20 tuổi sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da tới 80%.

Sau đây là một số cách hữu hiệu giúp bạn khắc phục được làn da bị tổn thương do tác hại của ánh nắng gây ra.

1. Bổ sung nước là việc làm hàng đầu

Ảnh: Transino white C

Da là cơ quan rộng lớn nhất của cơ thể, chính vì vậy, chúng ta có thể bị mất rất nhiều nước khi bị cháy nắng, từ đó gây ra nhiều triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi và buồn nôn. Việc uống nước giúp bổ sung lại lượng nước đã mất, giúp da mau chóng lành lại từ bên trong.

2. Làm mát da với nước lạnh hoặc sữa

Những vùng da bị cháy nắng sẽ bị đỏ ửng, nóng rát và đau đớn. Để tránh tổn thương sâu hơn, bạn cần làm mát da ngay lập tức bằng cách dội nước mát hoặc ngâm khăn tắm với nước lạnh rồi đắp lên các vùng da bị ảnh hưởng.

Bạn cũng có thể làm dịu da với sữa, và đừng rửa sạch ngay lập tức. Điều này giúp bổ sung một lớp màng protein bảo vệ da. Bạn lưu sữa lại trên da khoảng 15 – 20 phút, sau đó rửa lại bằng nước mát.

3. Rửa mặt bằng nước lá trà xanh

Trà xanh giúp xoa dịu cảm giá nóng rát do cháy nắng. (Ảnh: BlogAnChoi.com)

Trà xanh chứa nhiều chất catechin và flavonoid, những chất này có tác dụng xoa dịu cảm giác nóng rát do cháy nắng và giúp khôi phục các tế bào bị tổn thương, phồng rộp, đen sạm hiệu quả.

Chỉ cần sử dụng nước lá trà xanh đã nấu thoa lên da mặt khoảng 5- 10 phút, một ngày thực hiện 2 lần để làn da nhanh chóng được hồi phục.

4. Hỗn hợp mật ong sữa tươi

Mật ong có tác dụng rất tốt trong việc phục hồi làn da bị tổn thương do cháy nắng. Bạn có thể sử dụng mật ong thoa trực tiếp lên da hoặc pha mật ong với một ít sữa tươi không đường lạnh rồi dùng bông tẩy trang thấm hỗn hợp lên da mặt.

5. Bôi gel nha đam

Gel từ nha đam có công dụng làm mát tức thì. (Ảnh: Dinhduongdoisong.com)

Nha đam được biết đến như một loại thần dược giúp chăm sóc, nuôi dưỡng và làm dịu mát làn da. Nhờ khả năng kích thích tế bào da tái tạo, cung cấp độ ẩm, chống lão hóa, trị bỏng… nên nha đam có thể giúp xoa dịu và đưa làn da cháy nắng trở về trạng thái ban đầu.

Nha đam cắt bỏ phần vỏ cạo lấy lớp gel bên trong bôi lên da hoặc cắt dọc phần thịt nha đam thành những miếng mỏng đắp lên da trong 15 phút rồi rửa sạch.

6. Mặt nạ khoai tây

Khoai tây có khả năng làm dịu làn da cháy nắng, đánh bật các vùng da đen sạm, cung cấp độ ẩm và nuôi dưỡng da mềm mại, thúc đẩy quá trình tái tạo da. Thành phần axit pantothenic và các vitamin A, C, nhóm B trong khoai tây có thể trả lại cho bạn làn da trắng khỏe ban đầu.

Sử dụng khoai tây đã hấp chín, nghiền nhuyễn, trộn với một ít sữa tươi không đường một lượng thích hợp. Sau khi rửa sạch vùng da cháy nắng thoa hỗn hợp lên da, sau 15 phút rửa lại thật sạch với nước lạnh.

Khoai tây hấp chín cũng là một loại mặt nạ hoàn hảo. (Ảnh: thanhnien.vn)

7. Sử dụng các loại gel, kem dưỡng ẩm

Nếu bạn quá bận rộn thì việc sử dụng các loại gel hay kem dưỡng ẩm có sẵn, chứa những thành phần tự nhiên như lô hội, bạc hà, long não hoặc đậu nành. Không chỉ giúp làm dịu da, giúp da đỡ căng rát, các loại kem này còn làm giảm tình trạng da bong tróc vào ngày hôm sau.

Khuyến cáo không sử dụng các loại kem dưỡng có chứa các thành phần petroleum, benzocaine, lidocaine vì chúng có thể khiến da có cảm giác nóng hơn hoặc gây kích ứng cho làn da đang nhạy cảm.

Một số điều cần chú ý

  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Sử dụng kem chống nắng khi ra khỏi nhà.
Sử dụng kem chống nắng cũng là một lựa chọn không thể thiếu. (Ảnh: hellobacsi.com)
  • Uống nhiều nước và ăn nhiều loại rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin nuôi dưỡng và phục hồi da nhanh chóng.
  • Không nên tẩy da chết trong thời gian da đang cần phục hồi.
  • Hãy thật cẩn thận và tuyệt đối không tác động mạnh vào các vùng da bị phồng rộp vì tình hình sẽ tệ hơn, rất có thể còn khiến bạn bị nhiễm trùng.
  • Nếu bạn có các dấu hiệu như mệt mỏi, chóng mặt, mạch đập nhanh, buồn nôn, sốt rét, phát ban hay bị phồng rộp nặng, thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia y tế ngay lập tức vì tình hình cháy nắng của bạn đã trở nên nghiêm trọng.

Duy Anh