Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, bệnh sởi đã xuất hiện tại tất cả quận huyện với 290 ca mắc. Các chuyên gia lo ngại nguy cơ bùng phát dịch sởi rất lớn.

Theo Báo Sức Khỏe & Đời Sống, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc sởi nặng, trong đó có 2 trẻ 11 tháng tuổi là cặp song sinh, tiên lượng xấu.

GS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương trao đổi Gia Đình Mới, 2 bé nhập viện trong tình trạng sốt nóng liên tục, kèm theo ho, thị lực giảm, chảy nước mũi, đi ngoài phân nát. Đến ngày thứ 4, xuất hiện ban đỏ toàn thân, tình trạng ho tăng, ăn uống nôn trớ nhiều.

Các bé có tiền sử sinh non ở tuần thứ 30 và nhẹ cân hơn bình thường. Đã điều trị 5 ngày tại viện, nhưng do sức đề kháng yếu nên bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Hiện, bệnh nhi đang được theo dõi và điều trị sát sao.

Thời gian gần đây, bệnh sởi đang có xu hướng tăng nhanh tại Hà Nội. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 5/8, đã có 290 trường hợp mắc sởi. So với năm ngoái, số mắc sởi tăng gấp nhiều lần, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong. Các ca mắc sởi đã có ở tất cả các quận huyện, tập trung tại các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm…

Trước đó, trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên đã ghi nhận, 47 trường hợp mắc sởi. Trong đó, tập trung chủ yếu tại xã Keo Lôm (41 ca), lứa tuổi mắc chủ yếu từ 1-4 tuổi.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho TTXVN biết, nhóm mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi (69%), trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết các trường hợp mắc sởi là do không tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị ốm nên hoãn tiêm và bị tiêm muộn. Cha mẹ không đưa trẻ đi tiêm hoặc đi tiêm không đúng lịch nên chưa có đủ miễn dịch.

Ông Cảm thông tin thêm, thời tiết nóng, ẩm như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho virus sởi sinh sôi, phát triển và lây lan bệnh tật. Chuyên gia cũng lo ngại, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nguy cơ bùng phát thành dịch cao.

Để phòng tránh tối đa nguy cơ bùng phát dịch, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần nâng cao kiến thức phòng chống bệnh cho gia đình, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi mang thai; hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh…

Bên cạnh bệnh sởi, người dân cũng nên cảnh giác với sốt xuất huyết. Tuy số ca mắc từ đầu năm giảm 96,3 % so với cùng kỳ năm 2017 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm thất thường như hiện nay, muỗi vằn Aedes dễ sinh sôi, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan. Để phòng ngừa sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo:

– Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn. Thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

– Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

– Khi ngủ thì nên mắc màn để không bị muỗi đốt, dùng bình xịt côn trùng để loại bỏ muỗi.

– Mặc các loại trang phục có màu sáng và che kín da thay vì quần áo tối màu để tránh tạo sự thu hút cho muỗi.

– Nếu phát hiện ra những biểu hiện của bệnh, cần đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tư vấn phương pháp chữa trị kịp thời.

Dấu hiệu mắc sởi

– Ban xuất hiện ở sau tai, lan khắp mặt, dần xuống ngực bụng và toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Trẻ mắc sởi thường sốt 38-39 độ C và sốt liên tục.

– Ngoài ra còn một số triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy… Bệnh sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng như viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, viêm não, viêm loét giác mạc gây mù lòa, suy dinh dưỡng…

​​​​​

Lan Phương