Ngày nghỉ tết đang tới gần, có lẽ đây là niềm vui của nhiều người xa quê, sắp được quây quần bên gia đình trong những ngày cuối năm giá lạnh này. Tuy nhiên với những người say xe thì quả thật là còn một chặng đường dài phía trước.

Say tàu xe

Theo bác sĩ Rupali Datta, Chuyên gia Dinh dưỡng Lâm sàng, bệnh viện Fortis Escorts, Delhi, Ấn Độ, say tàu xe là vấn đề liên quan đến thần kinh, các xoang và việc khả năng cơ thể cảm nhận sự chuyển động ở bên ngoài và trạng thái tĩnh của cơ thể ở bên trong xe và do một số nguyên nhân tác động từ bên ngoài.

Rất nhiều người trong chúng ta thường không hiểu biết về nguyên nhân dẫn tới say xe nên dễ mắc các sai lầm dẫn tới tình trang say xe hoặc say xe trầm trọng hơn.

1. Coi ô tô như một nỗi ám ảnh

Đây có lẽ là sai lầm mà ai cũng bị mắc phải cả chủ động hay thụ động. Điều này cũng giống như một phản xạ có điều kiện. Do áp lực tâm lý tự thân của người sử dụng phương tiện về hiện tượng say tàu xe như một nỗi ám ảnh, chính vì thế chỉ cần một lần bị say là lần sau cứ thấy xe, tàu,… là đã có cảm giác say rồi.

Chính điều này khiến thần kinh bạn bị quá căng thẳng, gây áp lực cho não bộ dễ dẫn đến say xe.

Điều quan trọng nhất để tránh say tàu xe là cần có một tinh thần vững vàng và một tâm lý thoải mái. Vì vậy bạn hãy loại bỏ tâm lý “ám ảnh” đó để tránh bị say hoặc say nặng hơn.

Ảnh: Zing.vn

2. Để bụng quá đói hoặc quá no khi lên xe

Trong nhiều trường hợp, việc ăn no và để cơ thể thừa nhiệt có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng say xe. Tránh dùng đồ uống có cồn và ăn no trước khi lên xe. Những đồ ăn cay và mùi mạnh cũng có thể khiến cảm giác say xe gia tăng.

Một số người cũng bị say xe nhiều hơn khi uống cà phê đồ uống có cồn hoặc sữa tươi, nên hãy hạn chế dùng thức uống này. Nếu bạn đi xe ô tô riêng, hãy dành ra những quãng nghỉ ngắn, đi ra ngoài và hít thở không khí trong lành. Nếu thời tiết cho phép, hãy hạ kính cửa sổ xuống. Dù bạn đi loại phương tiện gì, hãy ngồi gần cửa sổ và hít thở không khí trong lành để cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn.

Cà phê sẽ khiến tình trạng say xe của bạn trở nên trầm trọng. (Ảnh: Zing.vn)

Tuy nhiên bạn cũng đừng bước lên xe với một cái bụng rỗng, vì như thế cơ thể không đủ năng lượng để chống lại các tác nhân từ bên ngoài, đồng thời bạn dễ bị hạ huyết áp dẫn tới đau đầu chóng mặt buồn nôn.

3. Thức quá khuya

Khi bạn mất ngủ hoặc quá lo lắng, ngày hôm sau ngủ dậy cơ thể sẽ vô cùng mệt mỏi. Như vậy với một sức khỏe không tốt bạn rất dễ bị say xe hoặc nôn nao.

4. Đọc sách báo hoặc điện thoại khi trên xe

Hiện nay công nghệ đang rất phát triển, chúng ta thường có thói quen sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi. Nhưng nếu bị say tàu xe, bạn nên tránh sử dụng các thiết bị điện thoại hay máy tính hoặc đọc báo. Vì khi đó bạn để mắt phải điều tiết liên tục tập trung vào chữ sẽ làm mắt mỏi, và ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây choáng váng.

Ảnh: Dichungtaxi.com

Bạn nên nhìn ra bên ngoài xe, nhưng không nhìn vào những vật đang chuyển động, như ô tô khác, mà nên cố gắng tập trung vào thứ gì đó đứng im, như một điểm ở đường chân trời. Như vậy, sẽ giúp bạn quên đi cảm giác khó chịu, tinh thần Thoải mái và tỉnh táo hơn.

5. Chọn sai chỗ ngồi

Khi di chuyển, sự lắc lư, chòng chành, lên xuống của phương tiện làm cho mạch máu tai trong bị co thắt dẫn đến tăng thể tích nội dịch và giãn lòng ống nội dịch, làm cho mê đạo màng tai trong bị tích thủy, ảnh hưởng đến cơ quan tiền đình, gây ra rối loạn tiền đình kiểu say tàu xe.

Như vậy nếu bạn dễ bị say xe hãy tránh những chỗ ngồi cuối hay chỗ bánh xe vì độ rung xóc ở những vị trí này lớn khiến bạn dễ bị say xe hơn.

Các mẹo chống say tàu xe cực hiệu quả

Ngoài tránh các việc làm khiến tình trạng say tàu xe trầm trọng hơn, bạn có thể bỏ túi một số mẹo chống say tàu xe cực hiệu quả dưới đây:

1. Ấn huyệt nội quan

Khi say xe có thể dùng ngón tay cái ấn vào huyệt nội quan. Chiêu này thường được các bác sỹ đông y áp dụng.

Bấm huyệt nội quan chống say xe (Ảnh: Internet)

Cách xác định huyệt: Bạn có thể dùng 3 ngón tay giữa khép lại, đặt từ chỉ cổ tay tính lên cánh tay, huyệt nằm ở giữa của đường gân cẳng tay gần cổ tay. Đo và đánh dấu đúng vị trí thì khi bấm sẽ đạt hiệu quả.

2. Lá trầu

Lá trầu sẽ có tác dụng làm ấm vùng rốn, bạn giữ 1 – 2 lá cầm tay để thi thoảng ngửi sẽ “át” mùi của xăng xe, và cản trở gió, khiến bạn không mệt mỏi, say xe.

Trước khi lên tàu xe khoảng 15 phút, bạn dùng khoảng 3 – 4 lá trầu (lá trầu không mà các cụ ăn trầu), dùng tay xé lá trầu ra vài miếng, cho hơi nát lá.

Bạn đưa những lá trầu này dán vào rốn, dùng chiếc vải xô, khăn mùi xoa lót, rồi dùng băng dính hoặc khăn buộc cho lá trầu cố định ở vùng rốn.

Ảnh: Okezone Lifestyle

3. Gừng

Bên cạnh uống thuốc chống say, mọi người cũng có thể đặt sẵn miếng gừng trong tay, khi cần thì đặt ngay dưới mũi để mùi hăng cay bay vào mũi, hoặc có thể dùng băng dính dán miếng gừng lên trên rốn, cũng giúp chống say.

Trước khi khởi hành 30 phút, nên uống 1 cốc nước ấm pha với gừng. Nghiên cứu cho thấy 1g gừng khô có tác dụng chống nôn không kém thuốc mà không gây tác dụng phụ.

4. Vỏ quýt

Bạn hãy nhớ mang theo một quả quýt khi lên xe. Tinh dầu cùng hương thơm dìu dịu từ vỏ quýt sẽ giúp bạn đỡ say và cảm thấy dễ chịu hơn.

Ảnh: Mamy.vn

5. Dấm ăn

Trước khi lên xe, bạn có thể uống một ly nước ấm có pha dấm. Làm như vậy, bạn có thể phòng chống tình trạng say xe.

6. Uống thuốc chống say

Tuy nhiên, thuốc chống say lại có một nhược điểm, đó là tạo cảm giác choáng váng và lâng lâng cho người uống. Một khi đã say xe, bạn sẽ có cảm giác hơi nghẹn vì thuốc chống say chặn không để bạn bị nôn khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn.

7. Mẹo nhỏ khi xe chuyển đột ngột

Khi xe phanh, hít thở từ từ, hít thật sâu dần dần cho đến khi thật căng hai lá phổi, giữ lấy hơi, không được thở ra vội vàng, giữ hơi đến khi xe giảm tốc hoàn toàn và bắt đầu chuyển động đều thì thở nhẹ ra nhưng thật từ từ, tiếp theo là hít thở sâu khoảng 2, 3 lần nữa.

Động tác này rất quan trọng, rất nhiều người say đã bị nôn khi xe phanh gấp hoặc đang đi dừng hẳn lại để bắt khách. Việc hít thở sâu và thở ra thật từ từ giúp cho cơ thể có nhiều ôxy, giữ hơi, đồng thời đây là một “tiểu xảo” để làm giảm sự nhạy cảm của tiền đình.

Minh Nguyên